Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:44
RSS

Đền bù bảo hiểm xe máy: 'Chờ được vạ, má cũng sưng'

Thứ sáu, 29/05/2020, 06:29 (GMT+7)

Nhiều người mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe máy cho rằng, từ lâu, câu chuyện được bồi thường từ đơn vị bảo hiểm đã bị "gạt" ra khỏi suy nghĩ. Bởi việc đáp ứng "hàng tá" giấy tờ chứng minh thiệt hại cũng đủ để người bị nạn thêm kiệt sức.

Đền bù bảo hiểm xe máy: 'Chờ được vạ, má cũng sưng'
Lực lượng CSGT ra quân xử phạt người vi phạm giao thông Ảnh: Bảo Loan

Thủ tục bồi thường: Chỉ nghĩ đã "hãi"

Câu chuyện xung quanh bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc đối với xe máy vẫn đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, thay vì mua bảo hiểm với ý nghĩa nhân văn, thiết thực thì đa phần, người điều khiển phương tiện giao thông mua bảo hiểm TNDS bắt buộc là để đối phó với lực lượng CSGT.

Theo nhiều chủ xe, khi có tai nạn xe máy xảy ra, việc được bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm chẳng khác nào "chờ được vạ thì má cũng sưng".

Những tờ Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS bắt buộc luôn được anh Bùi Nhật Phong (26 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) cất trong ví, chúng chỉ được sử dụng khi lực lượng CSGT hỏi đến. Anh Phong cho biết: "Ví của tôi luôn có bằng lái xe, giấy phép lái xe và giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS bắt buộc. Trước khi lái xe ra ngoài, tôi luôn kiểm tra các giấy tờ này, nếu có bị kiểm tra hành chính thì mình cũng đầy đủ giấy tờ".

Đền bù bảo hiểm xe máy: 'Chờ được vạ, má cũng sưng' 2
Anh Lưu Việt Định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy bắt buộc chỉ để đối phó CSGT. Ảnh: Bảo Loan

Anh Lưu Việt Định (29 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi đã từng bị tai nạn giao thông Khi đó tôi từng có ý định nhấc điện thoại lên gọi cho đơn vị bảo hiểm, nhưng thấy mất khá nhiều thời gian để xác minh, kiểm tra... chưa kể là hàng loạt các giấy tờ chứng minh thiệt hại khá rắc rối nên tôi đã thôi".

Anh Trần Đức Anh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Thủ tục bảo hiểm khá lằng nhằng, mất nhiều thời gian nên tôi mặc định trong đầu là sẽ không gọi đơn vị bảo hiểm. Với tôi, việc mua bảo hiểm TNDS cũng chỉ để đối phó lực lượng chức năng".

Quá nhiều giấy tờ phải đáp ứng

Đền bù bảo hiểm xe máy: 'Chờ được vạ, má cũng sưng' 3
“Chợ” bảo hiểm xe máy ở các vỉa hè Hà Nội. Ảnh: Bảo Loan

Theo quy định tại Thông tư số 22/2016 của Bộ Tài chính, trách nhiệm bảo hiểm dân sự bắt buộc đối với chủ xe máy không được đồng thời tham gia 2 hợp đồng bảo hiểm TNDS bắt buộc trở lên, trong cùng một xe.

Ngoài việc tham giao bảo hiểm TNDS bắt buộc, chủ xe có thể thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện. Phạm vi bồi thường thiệt hại là thiệt hại về thân thể, tính mạng đối với bên thứ ba do xe máy gây ra; thiệt hại về thân thể, tính mạng của hành khách do xe máy gây ra.

Ngày 27/5, phản hồi tới PV Báo Gia đình & xã hội đại diện một đơn vị bảo hiểm (xin không nêu tên) cho biết, theo quy định hiện nay, để được hưởng quyền lợi, người dân phải cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm nhiều giấy tờ chứng minh thiệt hại để làm căn cứ bồi thường. 

Cụ thể gồm có: Giấy thông báo tai nạn; giấy yêu cầu bồi thường theo mẫu; các chứng từ xác định thiệt hại do tai nạn; bản sao có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc của nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm có liên quan đến xe; bản sao bộ hồ sơ tai nạn có xác nhận của công an - nơi thụ lý tai nạn; sơ đồ hiện trường tai nạn; biên bản khám nghiệm hiện trường; biên bản khám nghiệm xe liên quan tới tai nạn giao thông; thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông; các biên bản và tài liệu xác định trách nhiệm của người thứ 3 trong trường hợp tổn thất do người thứ ba gây ra; biên bản giám định thiệt hại; các chứng từ thiệt hại do tai nạn.

Anh Lưu Việt Định nói: "Chỉ cần kê ra một vài giấy tờ cần cung cấp cho đơn vị bảo hiểm mà phải có xác nhận của lực lượng chức năng thì tôi nghĩ, không chỉ tôi mà nhiều người khác nữa cũng không mong muốn được bồi thường sau tai nạn. Bởi thủ tục giấy tờ quá rườm rà, mà thời gian hoàn thiện hồ sơ để được xét bồi thường, hỗ trợ cũng rất ngắn (trong thời gian 5 ngày), ngoại trừ trường hợp đặc biệt".

Thượng úy Trần Tiến Mạnh, Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết: “Trong trường hợp người tham gia giao thông không cần vi phạm bất kỳ lỗi vi phạm nào, lực lượng CSGT vẫn dừng xe để kiểm tra giấy tờ, bao gồm: Đăng ký, bằng lái, bảo hiểm xe. Đối với tất cả những trường hợp yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ, lực lượng CSGT sẽ tập trung vào những trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm như vi phạm về hành chính, hoặc vi phạm có yếu tố hình sự”.
Bảo Loan
Theo Đời sống Plus/GĐVN