Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:24
RSS

Có nên chuyển bảo hiểm xe máy từ bắt buộc sang tự nguyện?

Thứ hai, 25/05/2020, 21:19 (GMT+7)

Trong khi các nước dùng tiền phạt người tham gia giao thông sai luật để bỏ vào quỹ bảo vệ nạn nhân thì ở Việt Nam, quỹ này lại trích tới tối đa 20% số tiền để chi thưởng cho lực lượng công an có thành tích "bắt phạt".

Tỷ lệ bồi thường thấp vì thủ tục khó khăn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số chuyên gia bảo hiểm cho rằng quy định về thủ tục bồi thường bảo hiểm chính là rào cản khiến người dân không mua, hoặc mua đối phó cho xe máy. Bởi để được bồi thường, thủ tục xác nhận vụ tai nạn giao thông mất rất nhiều thời gian và không dễ dàng gì.

Tại cuộc họp báo mới đây về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy do Bộ Tài chính tổ chức, ông Phùng Ngọc Khánh, cục trưởng Cục Giám sát quản lý bảo hiểm cũng nhận định, thủ tục bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đang làm khó người thụ hưởng trong thời gian qua.

Theo quy định, để được bồi thường cho loại bảo hiểm bắt buộc, giấy tờ cần có gồm xác nhận công an về vụ tai nạn và xác minh tổn thất, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả cho nạn nhân trong tối đa 15 ngày làm việc. 

"Có những vụ tai nạn không nghiêm trọng, người dân gọi công an thì được bảo tự thoả thuận, còn gọi doanh nghiệp thì có bên nào đến không", ông Khánh phát biểu.

Chính vì những bất cập này, sắp tới Bộ Tài chính sẽ phối hợp sửa đổi quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục các trường hợp đơn giản, và mức phí bảo hiểm phải phù hợp.

"Việc sửa đổi nghị định 103 năm 2008 sẽ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, sao cho thuận tiện nhất cho người dân. Có thể mức bồi thường dưới 10 triệu đồng/vụ, thủ tục bồi thường sẽ rất đơn giản. Với mức bồi thường cao hơn mới yêu cầu hồ sơ phải đủ các thủ tục về biên bản hiện trường, giám định thiệt hại của cơ quan chức năng", cục trưởng Cục Giám sát quản lý bảo hiểm cho hay.

Bảo hiểm xe máy: Còn quá nhiều vấn đề bất cập
Bảo hiểm bán dày đặc trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ.

Có nên chuyển bảo hiểm xe máy từ "bắt buộc" sang "tự nguyện"?

Với việc tỷ lệ bồi thường thấp, người dân chủ yếu mua để đối phó dấy lên ý kiến nên chuyển từ "bắt buộc" sang "tự nguyện" với loại hình bảo hiểm này. Tuy nhiên, khi trao đổi với Vnexpress, chuyên gia Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính cho rằng vẫn nên quy định bắt buộc.

Ông cho biết, các nước có tỷ lệ xe máy nhiều như Thái Lan, Campuchia, Lào đều bắt buộc loại bảo hiểm này. Nhiều nước đã phát triển (phần lớn là ôtô) cũng bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. 

"Nhưng ở các nước khác làm gì có chuyện người dân phải ngược chạy xuôi kiếm đủ thứ giấy tờ như ở Việt Nam", ông Đán nói. Việc thu thập các giấy tờ chứng minh tai nạn và thiệt hại là do doanh nghiệp bảo hiểm phụ trách, người tham gia chỉ có trách nhiệm hỗ trợ.

Doanh nghiệp bảo hiểm cần thay đổi, từ việc trả hoa hồng cao ngất ngưởng cho đại lý khiến khâu bán trở nên qua loa, cho đến sự thiếu chủ động hỗ trợ người dân hoàn thiện thủ tục bồi thường như hiện nay. Ngoài ra, ông Đán cho rằng cần cho phép người bị nạn khiếu nại trực tiếp từ doanh nghiệp bảo hiểm nếu họ có thông tin về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người gây ra tai nạn. 

Ông chia sẻ thêm, Việt Nam cũng đang đi ngược lại với các nước trong cách sử dụng quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Trong khi các nước dùng tiền phạt người tham gia giao thông sai luật để bỏ vào quỹ bảo vệ nạn nhân thì ở Việt Nam, quỹ này lại trích tới tối đa 20% số tiền để chi thưởng cho lực lượng công an có thành tích "bắt phạt". 

Minh Anh (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN