Trẻ lanh lợi, thông minh, nhanh biết nói không chỉ là phản xạ tự nhiên mà còn phụ thuộc vào môi trường sống, cách cha mẹ dạy dỗ. Và đây là bí quyết dành cho mẹ để con biết nói khi chưa đầy 1 tuổi!
Nói chuyện với con mỗi ngày dù con chưa thể hiểu
Ngay từ khi con còn trong bụng, mẹ hãy đọc sách, kể chuyện, cho con nghe nhạc thường xuyên. Sau khi con chào đời, ngoài những lúc con ngủ, mẹ nên dành thời gian nói chuyện với con.
Trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được âm thanh rất tốt khi mẹ trò chuyện. Ngay từ khi 3 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu bặp bẹ và rất thích bắt chước âm thanh giống như mẹ. Do vậy, hãy thường xuyên nói chuyện với trẻ ngay khi trẻ còn rất nhỏ.
Để con tự nói chuyện một mình, nghe nhạc, nghe truyện
Khi con được 3 tháng, mẹ hãy bắt đầu bước thứ 2 trong kế hoạch dạy con nói của mình. Hãy mở nhạc hoặc những câu chuyện kể dành cho trẻ bằng đĩa để con nằm một mình và lắng nghe.
Theo dõi các phản ứng, tôi thấy con có đáp lại những âm thanh đó bằng tiếng ê, a và thỉnh thoảng phá lên cười phấn khích.
Trò chuyện với gương soi
3 tháng tuổi trẻ đã biết lật, hãy kê tấm gương thật chắc chắn ngay giường để mỗi khi con thức dậy, lật và nhìn vào gương soi rồi nói chuyện với “người lạ” khi không có mẹ bên cạnh.
Đây là một cách phát triển năng lực giao tiếp rất hiệu quả đối với trẻ nhỏ. Nếu mỗi ngày tiếp xúc với gương phản ứng của con sẽ linh hoạt hơn hẳn, miệng cũng nói rất nhiều.
Cho con xem tranh ảnh các đồ vật, con vật quen thuộc
Khi con bước sang tháng thứ 4, hãy bắt đầu trò chuyện với con như một người bạn, nghĩa là mẹ hỏi và để con trả lời bằng ngôn ngữ của mình.
Ví dụ, mẹ giả tiếng con mèo kêu cho con nghe và lặp đi lặp lại để con có phản xạ ghi nhớ xong rồi hỏi: “Con mèo kêu sao?”… Con sẽ phản ứng lại bằng ngôn ngữ của mình.
Dạy con nói đi nói lại những từ đơn giản
5 tháng tuổi, mẹ hãy bắt đầu dạy con nói những từ đơn giản như “ba ba”, “má má”, “bà bà”… Với những từ này, hãy kiên nhẫn tập đi tập lại cho con hầu như mỗi ngày.
Dạy con hát
Vừa kết hợp dạy con nói, mẹ hãy kết hợp dạy con hát những bài thiếu nhi với giai điệu dễ thương, gần gũi, dễ hát. Mỗi ngày dành một ít thời gian cho việc này sẽ giúp con thấm dần ngôn ngữ đồng thời tăng thêm vốn từ vựng giúp con nói tốt hơn.
Kiên nhẫn sửa sai cho con
8 tháng tuổi con có thể nói được câu từ 3 – 5 từ như “mẹ làm về”, “mẹ tắm”… và con nói khá nhiều. Dù vậy mẹ vẫn theo sát con, kiên nhẫn sửa cho con từ từ phát âm sai và yêu cầu con nói lại từ đó cho đúng đồng thời kết hợp dạy thêm những cụm từ, câu mới cho con.
Luôn động viên con
Mỗi khi con nói được câu gì đó hoặc từ gì đó mẹ hãy động viên con giỏi và thưởng cho con những nụ hôn. Được khen con tỏ ra rất thích nói và cứ liên tục phát huy khả năng này của mình.
Clip “Xử lý khi trẻ chậm nói”. Nguồn: VTV3
Cho trẻ tiếp xúc với nhiều người
Muốn trẻ có thể học ngôn ngữ nhanh nhất, mẹ nên thường xuyên cho trẻ ra ngoài và tiếp xúc với nhiều người. Khi được tiếp xúc với nhiều người, ngôn ngữ của trẻ sẽ tiến bộ rất nhiều và trẻ nhanh biết nói là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với môi trường lành mạnh, ngôn ngữ tích cực vì trẻ nhỏ học hỏi rất nhanh.
Tắt tivi khi có con trong phòng
Để con nói tốt và không thụ động trong việc giao tiếp, mẹ hãy quán triệt tư tưởng cho tất cả mọi người trong gia đình là không được “giao” con cho tivi cũng như không được mở tivi khi có con trong phòng. Bởi trẻ sẽ không thể nào phát triển được khả năng ngôn ngữ, giao tiếp nếu cứ dán mắt vào tivi.