Thứ sáu, 19/04/2024 | 11:43
RSS

Dạy con chớ nói điều này

Thứ tư, 24/02/2021, 16:21 (GMT+7)

Nếu muốn con không bị tổn thương và thực sự nghe lời, hãy loại bỏ những câu nói dưới đây trong quá trình dạy con.

 

"Sao con không được như bạn…"


Ảnh minh họa.

So sánh con mình với những đứa trẻ khác là một xu hướng tự nhiên ở nhiều bậc phụ huynh. Nhiều cha mẹ không biết rằng con dễ tổn thương khi nghe cha mẹ so sánh mình với bạn bè khác.

Dù biết rằng, cha mẹ cũng chỉ muốn con có thể giỏi hơn. Nhưng với cách này, cha mẹ chỉ gây áp lực cho con, nhiều khi sẽ khiến con trở nên tiêu cực với bạn bè hơn. Đừng gieo vào lòng trẻ sự so sánh, ghen ghét, hơn thua khi con còn quá nhỏ.

Hãy để trẻ hiểu, con phải cố gắng hết sức mình, là chính mình tốt nhất. Cũng hãy để con tự tin với những ưu điểm đặc biệt của mình.

"Mày không phải con tao, con tao không có đứa nào ngu dốt như mày!!!"

Đã có rất nhiều bố mẹ chỉ vì con đứng nhì lớp, chỉ sau một bạn mà tất cả những câu chửi cay độc có thế tuôn ra, đòn roi bầm dập trên người, cơm không lành canh không ngọt tận mấy tuần lễ. Người lớn có vẻ càng ngày càng yêu cầu quá cao ở trẻ con.

Có những câu nói sẽ làm tổn thương tâm hồn con người cả đời, có trôi qua cả đời cũng sẽ không bao giờ quên được.

Ám ảnh và sợ hãi đó là những gì lời nói gây ra, vết thương đòn roi rồi cũng mau chóng hết, nhưng vết thương tâm hồn cứ âm ỉ mãi chẳng bao giờ lành.

"Nhanh lên"

Có quá nhiều việc đang chờ, sắp muộn giờ làm, đêm qua ngủ chập chờn vì con quấy khóc, nguy cơ tắc đường…. và cậu con trai thì cứ muốn ngồi mãi trước TV để xem nốt đoạn Tom và Jerry trên Cartoon Network khiến bạn gắt gỏng "con có nhanh lên không?". Những câu thúc giục kiểu như vậy về tác dụng lâu dài thường không khiến cho con bạn nhanh hơn mà chỉ làm cho chúng cảm thấy tội lỗi mà thôi. Khi chúng ta hành xử bình tĩnh thì con trẻ cũng sẽ học theo.

"Đừng khóc", "Đừng buồn", "Đừng trẻ con như vậy"

Bạn thường nói với con như vậy nhưng điều đó sẽ không tốt cho chúng bởi đứa trẻ cũng có lúc buồn bã đến mức phải bật khóc, đặc biệt là trẻ đang tuổi tập đi. Không phải lúc nào chúng cũng có thể diễn đạt cảm xúc bằng lời nói.

"Việc bạn muốn bảo vệ đứa trẻ trước những cảm giác buồn bã hay sợ hãi là rất tự nhiên, nhưng nói: Đừng khóc, Đừng buồn sẽ không khiến trẻ cảm thấy tốt hơn. Ngược lại, câu nói đó gửi một thông điệp rằng con không được phép có cảm xúc như vậy", TS Debbie Glasser (Đại học Nova Southeastern ở Fort Lauderdale, bang Florida) nhận định.


Thay vì phủ nhận cảm xúc của con, hãy giúp chúng diễn tả cảm xúc bằng lời. Chúng sẽ bớt khóc hơn và dần biết mô tả cảm xúc, đồng thời cũng cho con thấy sự đồng cảm của bạn.

"Nếu còn làm điều đó một lần nữa, mẹ sẽ đánh con"

Đe dọa chỉ khiến việc dạy con trở nên tồi tệ, đáng thất vọng hơn chứ hiếm khi có hiệu quả về lâu dài. Những sự đánh đập, trừng phạt sẽ xảy ra và điều này đã được chứng minh là không thể khiến trẻ thay đổi hành vi.

TS Murray Straus, nhà xã hội học tại Phòng nghiên cứu gia đình ở Đại học New Hampshire, cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ hai tuổi lặp lại một hành vi sai trái trong cùng một ngày là 80% dù cho bạn có sử dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào. Ngay cả với những đứa trẻ lớn hơn, không một kiểu trừng phạt nào mang lại kết quả chắc chắn ngay lập tức.

Phương Nghi (t/h)
Theo Giadinh.net

CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngày 1 tháng 6 là ngày gì? Những ngày lễ nào diễn ra vào tháng 6? Hãy cùng Đời sống Việt Nam tìm hiểu thông tin về ngày 1/6 qua bài viết sau đây.