Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO ngày 12/10. Ảnh: AFP
Sáng 12/10, Mỹ tuyên bố sẽ từ bỏ vai trò thành viên của Tổ chức giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).
Báo cáo chi tiết của Bộ Ngoại giao Mỹ về quyết định rời khỏi UNESCO đã đề cập tới một số lý do, trong đó, có sự lo ngại về khoản tài chính mà Mỹ còn nợ tổ chức này.
Trước đó, tháng 10/2011, UNESCO thừa nhận tư cách thành viên của Palestine như một vùng lãnh thổ độc lập. Vì động thái này, Mỹ đã cắt hầu hết tài trợ cho UNESCO. Tổ chức này bắt đầu ghi phiếu nợ cho chính quyền Mỹ.
Vào thời điểm đó, số tiền đóng góp của Mỹ chiếm tới 22% ngân sách hàng năm (80 triệu USD) của UNESCO.
Tính đến hết năm nay, khoản tiền đóng góp mà Mỹ còn nợ sẽ lên tới gần 600 triệu USD. Và không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục thanh toán số tiền còn tồn đọng.
Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO, đồng minh Israel cũng tuyên bố sẽ rút khỏi tổ chức này. Ảnh: AP
Trong khi đó, năm 2013, UNESCO đã hủy quyền bỏ phiếu của Mỹ vì cắt nguồn tài chính vào tổ chức. Từ đó đến nay, Mỹ vẫn duy trì tồn tại ở UNESCO và tích cực vận động sau hậu trường.
Như vậy, với việc không còn quyền bỏ phiếu, lại tiếp tục tăng thêm nợ dồn thì quyết định kinh tế hơn cả là rút khỏi tổ chức?
Theo phân tích, quyết định của Mỹ sẽ không gây ra quá nhiều ảnh hưởng ở UNESCO. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại ở đây là việc các quốc gia khác có thể theo gương Mỹ rời bỏ tổ chức này hoặc chậm thanh toán các khoản đóng góp.