Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:52
RSS

Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí khi bị ngộ độc rượu ngày Tết

Thứ năm, 03/02/2022, 11:21 (GMT+7)

Dịp trước và trong Tết Nguyên Đán, các buổi tiệc tùng, liên hoan, tất niên,... diễn ra thường xuyên khiến việc sử dụng rượu bia gia tăng, kéo theo đó là gia tăng các trường hợp ngộ độc rượu.

Theo bộ Y tế, hàng năm, vào dịp sát và trong Tết Nguyên Đán, số vụ ngộ độc rượu đều tăng đột biến. Có hai loại ngộ độc rượu: ngộ độc Ethanol và ngộ độc Methanol, đa số các trường hợp là ngộ độc Ethanol. Nhiều người cho rằng say rượu không nguy hiểm, thực tế, say rượu chính là biểu hiện của việc bị ngộ độc rượu, tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Ngộ độc rượu thường xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Đặc biệt, vào dịp sát Tết, rượu giả, rượu kém chất lượng pha methanol với tỷ lệ cao tràn lan khắp nơi. Methanol là cồn công nghiệp, khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành formaldehyt và  acid formic, hai chất độc ảnh hưởng nặng nề đến gan và thận. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu tăng cao trong dịp Tết.

Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu).

Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí khi bị ngộ độc rượu ngày Tết

Ảnh minh họa

Với những trường hợp say rượu bia nhẹ, có thể xử trí tại nhà bằng cách kê gối thấp cho người bệnh nằm nhằm làm nôn hết rượu ra, sau đó cho ăn cháo loãng, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn. Uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh để hạn chế mất nước khi uống rượu. Một số loại nước uống như nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi... có thể giúp giải độc rượu hiệu quả.

Không nên dùng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau. Không để người bệnh tắm ngay khi đang say vì dễ gây hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, đột quỵ, tụt huyết áp. Cần lưu ý, khi chăm sóc người bị ngộ độc rượu không nên để người bệnh ngủ li bì vì có thể gây nguy hiểm, dễ bị sặc hay thân nhiệt dễ bị hạ thấp. Vì vậy, cứ khoảng 2 tiếng, nên đánh thức dậy, cho ăn chút cháo loãng ấm nóng.

Trong trường hợp người bệnh có các dấu hiệu như nôn liên tục, đặc biệt khi dịch nôn có máu; lay gọi không tỉnh sau 2-3 giờ; vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu; co giật, thở chậm, thở không đều, tím tái,… cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Để phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu người dân không nên uống quá nhiều rượu/người/ngày (Quá 30ml); tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp vì gây mù mắt và tử vong cao; Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với rễ cây độc, củ độc (ấu tẩu), phủ tạng động vật không rõ độc tính, mật cá; rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không ống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh; phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên uống rượu; trẻ em dưới 18 tuổi không uống rượu bia.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại