Triệu chứng bệnh trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau sinh. Tùy từng trường hợp, bệnh có thể giảm dần trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng cũng có nhiều người phải mất thời gian điều trị khá dài.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa
Nhận biết trầm cảm sau sinh
- Mất ngủ: khó vào giấc ngủ, hay thức giấc giữa đêm không ngủ được nữa, hoặc thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng kèm theo bồn chồn khó chịu (có khi ngủ nhiều quá mức).
- Chán ăn: ăn ít, ăn không ngon, không thích ăn, sợ ăn (có khi ăn nhiều quá mức), không ăn, sút cân.
- Ngại giao tiếp với người khác, trở nên ít nói bất thường, lười vận động.
- Cảm thấy bốn chồn lo âu, đứng ngồi không yên, đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau ngực, táo bón, sợ lạnh.
- Cảm thấy mệt mỏi, suy nghĩ chậm chạp, buồn rầu, mất hứng thú làm việc, mất hứng thú giải trí hàng ngày...
- Bi quan lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình, sợ điều xấu xảy ra cho bản thân và gia đình.
- Nghĩ rằng mình không xứng đáng với bản thân và xung quanh. Cho rằng mình phạm nhiều khuyết điểm, tội lỗi, không muốn tiếp xúc với ai.
- Có ý nghĩ chết chóc, muốn tự sát bằng thuốc ngủ, treo cổ, nhảy lầu, đâm vào xe... hay đã có lần tự sát.
Cách điều trị trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa
Làm gì khi bị trầm cảm sau sinh?
1. Bạn hãy lấy một tờ giấy trắng, kẻ một đường dọc chia đôi. Bên trái hãy viết tất cả những gì bạn lo lắng thành từng mục một. Bên phải là những nguyên nhân gây ra cảm giác đó và nêu luận điểm chứng cớ cho thấy tại sao như vậy là không đúng.
2. Hãy nghĩ ra mục tiêu mới, lý thú, nhưng có thể thực hiện được để thay đổi cảm giác, tâm trạng.
3. Mỗi ngày hãy tạo cho bản thân và người nhà một niềm vui nho nhỏ: mua vé đi xem phim mua bộ đồ mới, món ăn mới...
4. Hãy thay đổi một điều gì đó trong ngôi nhà: trang trí đồ vật, kê lại đồ, thay rèm cửa, mua thêm chậu cây cảnh...
5. Từ tối hôm trước hãy chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho ngày hôm sau, cố gắng để có những khoảng thời gian rỗi để nghĩ ngơi, thư giãn.
6. Rủ bất cứ ai đó thân thiết, tin tưởng đi uống nước hoặc về nhà chơi tâm sự hết những nỗi niềm của mình, thậm chí hãy khóc để giải tỏa nỗi lòng.
7. Nếu như những công việc ở nhà hay ở cơ quan đang quá tải với bạn, đừng ngần ngại yêu cầu sự chia sẻ, trợ giúp từ người thân, đồng nghiệp. Đừng để áp lực công việc lại biến nguy cơ trầm cảm của bạn trầm trọng thêm.
8. Về dinh dưỡng, hãy bổ sung vitamin tránh chế độ ăn nghèo calo, đồ béo, đồ ngọt, không uống chè và cà phê đặc...