Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:15
RSS

Dấu hiệu cảnh báo túi độn ngực không còn an toàn

Thứ tư, 31/10/2018, 07:30 (GMT+7)

Dấu hiệu cảnh báo túi độn ngực không còn an toàn chủ yếu là tình trạng đau và sưng nề ngực kéo dài ở bên túi vỡ, do phản ứng của cơ thể với silicone dạng gel rò rỉ từ trong túi độn.

Dấu hiệu cảnh báo túi độn ngực không còn an toàn
 Túi nâng ngực thế hệ cũ bằng nước biển sẽ xẹp ngay khi vỡ, rất dễ phát hiện. Tuy nhiên, với túi nâng ngực bằng silicone việc vỡ túi sẽ rất khó nhận ra (ảnh minh hoạ)

Để sở hữu đôi gò bồng đảo mơ ước, nhiều chị em sẵn sàng nhờ tới sự can thiệp của dao kéo để tăng kích cỡ vòng một. Tuy nhiên, phương pháp cải thiện vòng một này lại mang tới nhiều rủi ro.

Mới đây nhất, vụ việc ca sĩ Mai Tường Vi (38 tuổi, nghệ danh Ivy Trần) vỡ túi độn ngực khi đang trên máy bay gây xôn xao dư luận. May mắn là cô đã được các bác sĩ kịp thời xử lý bằng việc tháo bỏ túi ngực vỡ ra khỏi cơ thể.

Theo các bác sĩ, túi nâng ngực thế hệ cũ bằng nước biển sẽ xẹp ngay khi vỡ, rất dễ phát hiện. Tuy nhiên, với túi nâng ngực bằng silicone sẽ rất khó nhận ra ngay được tình trạng vỡ. Vậy những dấu hiệu nào cho thấy túi độn ngực đã không còn an toàn?

Những dấu cảnh báo túi độn ngực đã vỡ

Trả lời Zing news, Tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật thẩm Mỹ Mai Mạnh Tuấn (tốt nghiệp Học viện Quân y, hơn 20 năm kinh nghiệm và làm việc trong lĩnh vực thẩm mỹ - tạo hình), cho hay dấu hiệu chủ yếu là tình trạng đau và sưng nề ngực kéo dài ở bên túi vỡ, do phản ứng của cơ thể với silicone dạng gel rò rỉ từ trong túi độn.

Chính vì vậy, khi phát hiện ngực bị biến dạng, xẹp, không còn nằm đúng vị trí, bạn cần đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và xử lý. Nếu để tình trạng này kéo dài, ngực sẽ hình thành lớp bao xơ dầy quanh túi vỡ, gây biến dạng bầu ngực. 

Dấu hiệu cảnh báo túi độn ngực không còn an toàn
Ivy Trần nhập viện vì vỡ túi silicon độn ngực khi đi máy bay

Túi độn ngực có thể nổ khi đi máy bay?

Về những băn khoăn của nhiều người về việc túi độn ngực có thể nổ khi đi máy bay, bác sĩ thẩm mỹ Hiệp Lợi - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Vy cho biết, chuyện vỡ túi ngực do áp suất máy bay như bệnh nhân nói có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

"Chúng tôi vẫn không thể khẳng định là do áp suất trên máy bay làm vỡ túi ngực vì hiện vẫn chưa có báo cáo nào rõ ràng cho thấy điều đó. Tôi cũng khẳng định, túi ngực không bị nổ mà chỉ vỡ. Có nhiều trường hợp đến bệnh viện chúng tôi phẫu thuật nhưng họ cho biết không đi máy bay nhưng vẫn bị vỡ túi ngực", bác sĩ Lợi thông tin thêm.

Đồng quan điểm với bác sĩ Lợi, TS. BS. Nguyễn Huy Thọ, Nguyên chủ nhiệm Khoa phẫu thuật tạo hình, BV TƯ Quân đội 108 cũng cho rằng không có chuyện nổ ngực độn silicon khi đi máy bay. 

Trả lời báo giao thông Bác sĩ Thọ cho biết túi ngực không thể nổ khi đi máy bay vì thực tế khi thử nghiệm đặt túi ở mặt đường và cho ô tô bốn bánh đè qua nhưng túi đó không sao cả. Vỏ của túi chứa lượng silicon chịu được áp lực rất tốt. 

Các bác sĩ cho rằng nếu sử dụng túi ngực đạt chuẩn, sản xuất theo đúng quy trình từ 7-8 lớp thì vấn đề rò rỉ hay vỡ không bao giờ xảy ra. Khi sử dụng túi ngực không đạt chuẩn trong thời gian dài sẽ biến đổi chất lượng, dẫn đến dễ vỡ hơn, có thể dùng tay bóp cũng vỡ.

Dấu hiệu cảnh báo túi độn ngực không còn an toàn
Theo các bác sĩ, việc sử dụng túi ngực không đạt chuẩn trong thời gian dài sẽ biến đổi chất lượng, dẫn đến dễ vỡ hơn, có thể dùng tay bóp cũng vỡ

BS.Thọ cũng cho hay, hiện nay phẫu thuật nâng ngực có hai biến chứng khi nâng ngực. Đó là biến chứng ban đầu như tụ máu, nhiễm trùng... tuy nhiên nếu phẫu thuật thực hiện ở bệnh viện thì tỷ lệ biến chứng rất thấp. 

Ngoài ra, có thể có biến chứng dài lâu sau phẫu thuật như sẹo và co bao. Tỷ lệ thống kê cho thấy, tỷ lệ biến chứng này trên thế giới khoảng từ 4 – 8%, nhưng cũng có tác giả nghiên cứu cho rằng chỉ có khoảng 1 – 2% biến chứng.


Xem thêm video: Ước mơ mua nhà cho mẹ của thạc sĩ đột nhập nhà công an trộm tiền

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN