Tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, cai máy thở, tỉnh táo và tập ăn qua đường miệng. Ảnh: Zing
Mới đây, theo nguồn tin từ VTV News, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, vừa tiếp nhận điều trị cho bé gái N.T.V. (14 tuổi, trú tại Cà Mau), nhập viện trong tình trạng xanh tái, nôn ói, đau bụng.
Gia đình bệnh nhân cho biết trước khi nhập viện tuyến dưới khoảng 2 giờ, bệnh nhân than mệt, đau bụng, nôn ra dịch vàng xanh 6-7 lần. Tại bệnh viện địa phương, các bác sĩ xét nghiệm thấy amylase máu tăng nên chẩn đoán viêm tụy cấp.
Sau 3 ngày điều trị, tình trạng ban đầu của bệnh nhi không cải thiện, tiếp tục đau bụng, ói, bụng chướng không đi tiêu được nên đã được gia đình chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để điều trị.
Theo BS Tiến, sau khi tiếp nhận, bệnh nhi được tiến hành truyền dịch chống sốc, điều chỉnh nước điện giải, làm các xét nghiệm máu. Kết quả siêu âm bụng ghi nhận dấu hiệu bán tắc ruột; bệnh nhân tiếp tục được CTscan bụng, ghi nhận có tình trạng một số quai ruột chui vào một khe tạo bởi một dải nối rốn ruột với thành bụng, gây tắc ruột.
Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển mổ cấp cứu ghi nhận có một quai ruột dính lên thành bụng, một số quai ruột non dãn lớn thoát vị qua lỗ tạo bởi ống rốn ruột, quấn vào dây rốn ruột này. Các bác sĩ tiến hành gỡ dính, cắt đoạn ruột thâm tím và ống rốn ruột, nối ruột tận - tận.
Sau mổ, bệnh nhi được chuyển khoa hồi sức ngoại, điều trị hỗ trợ hô hấp, bù nước điện giải, kháng sinh phổ rộng. Tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, cai máy thở, tỉnh táo và tập ăn qua đường miệng.
Bác sĩ Tiến nhận định đây là trường hợp thoát vị nội hiếm gặp do ruột chui qua khe ống rốn ruột. Ông giải thích ở tuần thứ 7 của thai kỳ, túi noãn hoàn ngoài phôi và ống noãn hoàn (ống rốn - ruột) tiêu biến đi, ruột tách rời khỏi rốn. Nếu quá trình này xảy ra không hoàn toàn, ống noãn hoàn sẽ còn lại, thường gọi là ống rốn - ruột.
Trẻ nhũ nhi nếu tồn tại ống rốn ruột, rốn sẽ chảy dịch kéo dài, dịch có mùi hôi. Khi thấy tình trạng này, phụ huynh lưu ý đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để kịp thời phát hiện, điều trị sớm.