Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:06
RSS

Đắp lá trầu không trị ho đờm, bà khiến cháu bị lột da vì bỏng

Thứ năm, 14/12/2017, 19:52 (GMT+7)

Thấy cháu ho đờm khò khè, bà nội dùng lá trầu không hơ nóng đắp lên ngực cháu, nhưng không ngờ làm cháu bị bỏng nặng vùng ngực, da bị lột, vết thương chảy dịch, nhiễm trùng.

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM tiếp nhận trường hợp một bé gái 6 tháng tuổi bị bỏng nặng vùng ngực, lớp da đã bị lột, vết thương chảy dịch và có dấu hiệu nhiễm trùng. Nguyên nhân là do bà nội cháu bé nghe có người mách dùng trầu không hơ nóng đắp lên ngực sẽ giúp giảm ho đờm khò khè nên đã làm theo.

Sau khi thăm khám, cháu bé chẩn đoán bị nhiễm trùng da, bỏng sâu độ 4, thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc và tiên lượng nặng. Đáng buồn là đây không phải trường hợp đầu tiên bị bỏng vì đắp lá trầu không.

Trước đó, trên các diễn đàn dành cho nuôi con nhỏ lan truyền thông tin về cách chữa thông đờm cho trẻ bằng cách hơ nóng đắp lá trầu không rồi đắp lên ngực. 

Cụ thể cách làm đó được một "mẹ bỉm sữa" chia sẻ trên mạng xã hội như sau:

“Để có hiệu quả, nướng liền hai lá, một lá đặt trên ngực của em bé lá còn lại đặt sau lưng trẻ. Sau khi chuẩn bị lá xong, bôi dầu thoa lên ngực trẻ. Đặt lá lên trên ngực và sau lưng bé.

Không cần chờ lâu, nước mũi trẻ sẽ chảy ròng ròng, hệ hô hấp của trẻ tốt lên trông thấy, việc hít thở của trẻ được thông suốt hơn. Các mẹ có thể áp dụng cho con xem sao nhé! ”

Không được đắp lá trầu không hơ nóng lên ngực trẻ để trị hoĐây là thông tin được chia sẻ rầm rộ trên MXH thời gian vừa qua

Trước thông tin trên, PV Đời sống Plus đã có cuộc trao đổi với BS Mai Xuân Hùng- Viện Y học cổ truyền Trung ương. Theo BS Hùng, trong Đông y, lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn.

Lá trầu không dùng tốt trong các trường hợp viêm họng, cảm cúm, nhức đầu, sát trùng vết thương, chữa các bệnh viêm loét ngoài da, nước ăn chân tay… đặc biệt dùng tốt trong việc điều trị các bệnh phụ nữ mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, việc đắp lá trầu không để cho trẻ hết khò khè, Bác sỹ Hùng cho rằng, đây là thông tin không chính xác. Trong Đông y cũng không có tài liệu hay bài thuốc nào nói về cách dùng lá trầu không hơ nóng đắp lên ngực để trị ho, thông đờm.

Bác sỹ Hùng cho biết: "Lá trầu không tuy rằng rất tốt, được coi là loại kháng sinh tự nhiên nhưng không thể dùng bừa bãi nhất là với trẻ nhỏ. Lá trầu không có nhiều tinh dầu, khi hơ nóng lên kết hợp cả dầu bôi lại đắp lên ngực trẻ nhỏ - vốn có làn da rất non thì khả năng bị bỏng là rất cao''.

Bác sỹ Hùng cũng nhấn mạnh, phụ huynh không nên nghe theo những lời đồn về các phương pháp chữa bệnh lan truyền vô căn cứ, không có cơ sở khoa học nhất là áp dụng cho trẻ nhỏ lại càng nguy hiểm hơn.

đắp lá trầu không hơ nóng lên ngực trẻ sẽ gây bỏng
Một trường hợp khác, bé trai bị bỏng sau khi mẹ đắp tỏi vào lòng bàn chân để trị ho

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra các biến chứng khi các bà mẹ áp dụng các bài thuốc dân gian trên mạng để chữa bệnh cho con. Cách đây không lâu, Đời sống Plus cũng đã từng đưa tin một trường hợp mẹ chữa ho cho con bằng đắp tỏi vào lòng bàn chân khiến con bị bỏng.

Đó là trường hợp chị T.T.H. Khi thấy con bị ho, sụt sịt, hút mũi mãi không khỏi, chị H. rất lo lắng. Thấy trên mạng có người mách nướng củ tỏi đập dập cho vào gan bàn chân khi bé ngủ, chị liền vận dụng luôn cho con mình. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau khi bỏ tất ra, chị choáng váng khi nhìn thấy chân con có vết mọng nước to như bị bỏng. Chị H vô cùng ân hận vì đã áp dụng cách trị ho theo kiểu truyền miệng mà không tìm hiểu kỹ khiến bệnh không những không khỏi mà lại vô tình làm hại đến con.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN