Chị T.T.H vô tình làm con bị bỏng vì đắp tỏi vào gan bàn chân để chữa ho.
Mới đây, trên một diễn đàn dành cho mẹ và bé, chị T.T.H cho biết, mấy ngày nay, con chị bị ho, sụt sịt, hút mũi mãi không khỏi, bé khó chịu trong người, nhiều lần vừa ăn xong đã nôn ra hết. Xót con mà không biết làm thế nào nên khi thấy có người mách nướng củ tỏi đập dập cho vào gan bàn chân khi bé ngủ, chị liền vận dụng luôn cho con mình. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau khi bỏ tất ra, chị choáng váng khi nhìn thấy chân con có vết mọng nước to như bị bỏng. Chị H vô cùng ân hận vì áp dụng cách trị ho theo kiểu truyền miệng mà không tìm hiểu kỹ khiến bệnh thì không khỏi lại vô tình làm hại đến con.
Trao đổi với PV Đời sống Plus, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi- BV Bạch Mai) cho biết, có rất nhiều bà mẹ như chị H., khi con bị ốm chưa kịp tìm hiểu kỹ đã vội vàng làm theo những lời mách nước, truyền miệng.
"Trường hợp này, người mẹ đã vô tình làm con mình bị bỏng do tỏi nóng. Muốn bé nhanh khỏi, mẹ cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, không nên tác động nhiều vào vết bỏng, khi vết bỏng nước vỡ ra, mẹ cần vệ sinh hết sức cẩn thận, tránh nhiễm trùng. Người mẹ có thể sử dụng thuốc bôi bỏng và chăm sóc vết thương như vết bỏng bình thường"- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi- BV Bạch Mai)
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng khuyến cáo, hiện nay, với sự bùng nổ công nghệ thông tin, tất cả mọi vấn đề đều có thể tìm thấy trên internet. Vì vậy, nhiều người chủ quan khi thấy con bị bệnh thường lên google, hoặc nghe theo truyền miệng, áp dụng các phương pháp chưa được kiểm chứng. Kể cả với các bài thuốc dân gian, không phải ai cũng đáp ứng tốt, nhất là với trẻ nhỏ càng phải thận trọng hơn rất nhiều, đừng vì sự thiếu hiểu biết của mẹ mà khiến con rước thêm bệnh vào người.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thời tiết thay đổi khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Trong đó, ho là phản xạ sinh lý tốt cho cơ thể vì góp phần tống xuất những chất có hại, đờm, dịch tiết hoặc các vật lạ tại đường hô hấp ra khỏi cơ thể, giúp làm sạch đường thở, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt hơn. Trong trường hợp này, ho có thể coi như là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể đối với các tác nhân có hại từ bên ngoài.
Ho chỉ xấu trong trường hợp có liên quan đến các loại bệnh do virus và vi khuẩn ở cơ quan hô hấp gây ra như: cảm cúm, viên khí phế quản, viêm phổi hay viêm màng phổi… Nếu bệnh viêm đường hô hấp cấp không được chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ rất dễ dẫn đến viêm phổi.
Hầu hết các cơn ho thường do cảm lạnh hoặc cảm cúm và chúng sẽ nhanh chóng tự khỏi. Tuy nhiên, nếu ho kèm theo các triệu chứng: chóng mặt sau khi ho, ho ra máu, tức ngực, ho liên tục vào ban đêm, sốt, ho không giảm sau 7 ngày, thở gấp hoặc khó thở... cần phải đi khám bác sỹ ngay.
Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, hơi độc, vào 2 kinh can và vị. Tỏi có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, chữa băng đới, trùng tích, huyết lỵ, tẩy uế, thông khiếu, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đờm, đầy chướng, đại tiểu tiện khó khăn, tả lỵ... Tỏi có rất nhiều công dụng trong việc chữa bệnh và được ứng dụng khá nhiều trong các bài thuốc cổ phương cũng như các bài thuốc chữa theo kinh nghiệm dân gian. PGS.TS Phạm Xuân Sinh trong cuốn "Dược học cổ truyền" đưa ra cách trị ho bằng tỏi như sau: "Đem tỏi giã nát, trước khi đi ngủ dán vào 2 lòng bàn chân, làm 3 - 5 tối. Nhất là người đang ho nặng vào ban đêm thì nên dùng cách này. Lưu ý: Tỏi rất nóng và có thể gây bỏng. Vì vậy không nên đắp trực tiếp lên da mà phải bọc trong khăn hoặc gạc và không nên để quá 15 phút". |