Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, một số chuyên gia quốc tế, lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện một số bộ, ngành… về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
26 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay Việt Nam đã qua 26 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, tiến hành triển khai giám sát các nhóm nguy cơ như người có triệu chứng cảm, cúm, ho, sốt tại cơ sở y tế, khu có đông người lao động, khu vực có nguy cơ dịch tễ…
Hiện mỗi ngày Việt Nam xét nghiệm khoảng gần 2.000 mẫu. Đến nay, đã có khoảng 275.000 mẫu được thực hiện xét nghiệm, phát hiện 288 trường hợp nhiễm Covid-19, phần lớn ở trong cơ sở cách ly. Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng được đánh giá là rất thấp.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Duy trì hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức.
Đồng thời, Việt Nam cũng tiếp tục tăng cường năng lực ứng phó với đại dịch, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 ở tất cả các tuyến. Năng lực sản xuất trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị… trong nước được chủ động.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP
Chúc mừng các kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp rất nhanh, hiệu quả mà Việt Nam đã triển khai thời gian qua.
TS Kidong Park đánh giá, Việt Nam đã nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả…
"Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch của các bạn (Việt Nam- PV) để chia sẻ với cộng đồng quốc tế", TS Kidong Park nói và cho hay, bản thân ông có cảm giác an toàn khi sống, làm việc tại Việt Nam thời gian qua.
Dịch Covid-19 dự báo kéo dài tính bằng năm
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế đều nhấn mạnh hiện thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, hay vaccine phòng Covid-19…, do vậy dịch bệnh được dự báo sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm.
TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam
Do đó, Việt Nam vẫn phải ở trong tâm thế hết sức cảnh giác, theo dõi chặt chẽ khi các quốc gia đang phải ứng phó vô cùng vất vả, vẫn hiện hữu nguy cơ có những ca bệnh tại cộng đồng.
Thời gian tới, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị cần tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn mô hình hóa sự lây lan dịch bệnh; đánh giá hệ thống y tế để tìm ra điểm yếu, hạn chế từ đó đầu tư kịp thời, đảm bảo luôn chủ động trong phòng, chống dịch; ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập bên ngoài; tăng cường giám sát các nhóm nguy cơ…
Bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát lại các biện pháp hạn chế, đánh giá, cập nhật thông tin mới… làm cơ sở đưa ra khuyến nghị phù hợp về đi lại, giao thương.
Y tế, quân đội, công an… không được nghỉ ngơi, phải luôn ở trạng thái sẵn sàng
Tại cuộc làm việc, Ban chỉ đạo Quốc gia cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của WHO, các tổ chức và chuyên gia quốc tế ngay từ những ngày đầu phòng, chống Covid-19 của Việt Nam và mong muốn hai bên tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới.
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, đóng góp các sáng kiến, bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước nghèo, đang phát triển.
Nhấn mạnh trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, Ban chỉ đạo Quốc gia cho biết Việt Nam phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Các lực lượng phòng, chống dịch như y tế, quân đội, công an… không được nghỉ ngơi, phải luôn ở trạng thái sẵn sàng. Đơn cử, ngành y tế tiếp tục nghiên cứu thuốc, vaccine, phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khoẻ điện tử từng người dân… Lực lượng quân đội, công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung.
Tại cuộc làm việc, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng đặc biệt lưu ý trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong thực hiện nghiêm việc cách ly đối với những chuyên gia, lao động kỹ thuật cao tại các cơ sở lưu trú ở địa phương.
Các bộ ngành, địa phương phải thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng, ban hành các bộ tiêu chí an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt hàng ngày… trên tinh thần dịch vẫn còn kéo dài.
TS. Ki dong Park cho biết thêm, vài ngày trước, nhóm chuyên gia của WHO đã tham gia một cuộc họp kỹ thuật thảo luận về cập nhật hướng dẫn quản lý Covid-19, chiến lược xét nghiệm và trường hợp tử vong của bệnh nhân 251.
Qua quá trình rà soát toàn bộ quá trình nhập viện, điều trị bệnh nhân 251, các chuyên gia đã xem xét rất kỹ các xét nghiệm làm cho bệnh nhân này với 6 lần liên tiếp âm tính với virus SARS- CoV-2.
"Chúng tôi tin tưởng kết quả hội chẩn chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam. Các chi tiết đưa ra hoàn toàn logic, không có lý do nào để cho rằng không chính xác" - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói và khẳng định sự tin tưởng này là kết quả làm quá trình hợp tác, làm việc lâu dài của WHO, các chuyên gia quốc tế với ngành y tế, các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu dự phòng, dịch tễ tại Việt Nam.