Mới đây, cơ quan chức năng của Italy đưa ra con số: Tỉ lệ sinh ở nước này xuống mức thấp nhất trong hơn 150 năm, nguyên nhân là do covid-19 Trong khi đó, “làn sóng” đòi bồi thường thiệt hại do dịch gia tăng.
Italy tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt.
Tỉ lệ sinh của Italy “trong và sau đại dịch” được dự đoán còn giảm hơn nữa, khi tình trạng suy thoái kinh tế và bất ổn đang ngày càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của quốc gia châu Âu này - trang The Guardian bình luận và dẫn ra con số trong khi số ca tử vong đã lên tới 647.000 người, Italy chỉ ghi nhận 420.000 ca sinh, tỉ lệ thấp nhất kể từ khi quốc gia này thống nhất vào năm 1861.
“Phản kháng thầm lặng”
Đó có lẽ vẫn là con số lạc quan vì rằng theo ước tính của cơ quan thống kê quốc gia Istat, tỉ lệ sinh của Italy có thể giảm xuống chỉ còn khoảng 408.000 ca trong năm nay, trong khi đó Covid-19 có thể “giết chết” hơn 700.000 người trong năm 2020.
“Hoàn toàn hợp lý khi đưa ra giả thuyết rằng bầu không khí lo lắng, không chắc chắn và những khó khăn ngày càng gia tăng đã tác động tiêu cực đến quyết định sinh con của các cặp vợ chồng Italy” - ông Gian Carlo Blangiardo - Giám đốc Istat, nhận định và cho rằng bên cạnh số ca tử vong do Covid-19 thì tỉ lệ sinh thấp là rất đáng lo ngại. Ông này cho biết điều tương tự đã xảy ra hồi năm 1944 khi Itlay đang ở trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2.
Ngay từ đầu mùa dịch, Italy đã trở thành điểm nóng của châu Âu khi là quốc gia đầu tiên của châu lục bị virus SARS-CoV-2 tấn công. Nay đang ở giai đoạn 3 nhưng Italy đã từng hai lần phải hứng chịu làn sóng bùng phát dịch Covid-19 tàn khốc, kể từ cuối tháng 2. Trong khi đó, số người thất nghiệp lại gia tăng ở mức khó kìm lại.
Giới chuyên gia cho rằng, trong đại dịch thì phụ nữ là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nhất. Điều đó khiến họ cảm thấy bất ổn dẫn tới việc sợ kết hôn cũng như sinh nở.
Bình luận về vấn đề này, Gorgia Serughetti - nhà xã hội học thuộc Đại học Milan-Biccoca nói: “Nhiều người tự hỏi bản thân: Nếu tôi có một đứa con hôm nay, ai biết được liệu ngày mai tôi có còn việc làm không?”. Tại một cuộc họp với Hiệp hội Phụ nữ Rome, Serughetti cho biết quan điểm phụ nữ lựa chọn không sinh con được nêu ra như một kiểu “phản kháng thầm lặng” chống lại các điều kiện kinh tế và xã hội khó khăn mà họ buộc phải đối mặt.
Căng thẳng gia tăng thiết lập “vùng đỏ”
Thông tin từ Bộ Y tế Italy, quốc gia này đã phát hiện ca mắc Covid-19 nhiễm cùng một chủng virus SARS-CoV-2 mới, “và chắc chắn con số sẽ không dừng lại”.
Theo tờ Sky News, bệnh nhân này trở về từ Anh (nơi phát hiện chủng virus Covid-19 biến thể, từ ngày 14/12) bằng đường hàng không, hạ cánh xuống sân bay Fiumicino (Rome). Điều này khiến quan ngại tiềm ẩn bùng lên trở lại khi người dân nước này vẫn không thể quên những tháng ngày khủng khiếp trong cao điểm của dịch.
Chính quyền lập tức thực thi các quy định “vùng đỏ” trên cả nước, “không để ý là năm mới đang đến gần”, vì các biện pháp phong tỏa sẽ được duy trì kéo dài đến ngày 6/1/2021. Quy định “vùng đỏ” bao gồm cấm đi lại giữa các vùng; lệnh giới nghiêm kéo dài từ 10h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau; đóng cửa tất cả các cửa hàng, quán rượu, nhà hàng, đồng thời kêu gọi người dân ở nhà trong những ngày nghỉ lễ và các cuộc gặp không quá 2 người.
Chính phủ Italy chia các khu vực theo 3 màu vàng, cam và đỏ, với những biện pháp hạn chế được áp dụng ở các mức độ khác nhau tùy thuộc tốc độ lây nhiễm. Theo Bộ Y tế nước này, các vùng có mức độ lây nhiễm không kiểm soát được, gây quá tải cho hệ thống y tế quốc gia thì được quy định là “vùng đỏ” và sẽ áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất. Thủ tướng Giuseppe Conte từng tuyên bố vào ngày 18/12 là sẽ áp dụng quy chế “vùng đỏ” trên cả nước khi cần thiết.
Đòi bồi thường
Bắt đầu từ ngày 23/12 vừa qua, khoảng 500 người thân của những người đã tử vong do Covid-19 tại Italy tuyên bố khởi kiện một số quan chức trung ương và địa phương nhằm đòi tiền bồi thường tổn thất lên tới 100 triệu euro (122 triệu USD).
Vụ kiện này nhằm vào Thủ tướng Giuseppe Conte, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza và Thống đốc vùng Lombardy- ông Attilio Fontana.
Vụ kiện do các thành viên của nhóm “Noi Denunceremo” tiến hành. Nhóm này được thành lập vào tháng 4 vừa qua nhằm đại diện cho người thân của các nạn nhân tử vong do Covid-19 tại Bergamo - một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nhất tại vùng Lombardy.
Theo các nguyên đơn, khi dịch bùng phát tại Lombardy, chính quyền Trung ương và địa phương đã không hành động nhanh chóng để tránh được nguy cơ phong tỏa toàn quốc và dẫn đến thiệt hại kinh tế. Họ cũng cho rằng chính quyền đã không có kế hoạch sẵn sàng để ứng phó với nguy cơ đại dịch.
Trước đó, tháng 6, nhóm Noi Denunceremo cũng đã kiến nghị các công tố viên tại Bergamo điều tra về trách nhiệm hình sự trong công tác xử lý đại dịch. Thủ tướng Conte đã bị các công tố viên thẩm vấn với tư cách là nhân chứng.
Kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 2 năm nay, Italy là quốc gia Tây Âu đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, mức cao nhất tại châu Âu và cao thứ 5 trên thế giới. Vùng Lombardy là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất.