Thứ tư, 15/05/2024 | 01:16
RSS

Đà Nẵng: Phát hiện trường hợp nhiễm virus gây bệnh đầu nhỏ

Thứ ba, 26/05/2020, 09:47 (GMT+7)

Đà Nẵng phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika gây bệnh đầu nhỏ. Đây là bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết, có thể làm tổn thương não bộ, gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, truyền từ mẹ sang con.

Đà Nẵng: Phát hiện trường hợp nhiễm virus gây bệnh đầu nhỏ

Đà Nẵng: Phát hiện trường hợp nhiễm virus gây bệnh đầu nhỏ. Ảnh minh họa.

Bộ Y tế vừa thông báo có 1 trường hợp nam thanh niên 25 tuổi ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng mắc bệnh do virus Zika gây ra. Được biết, đây là loại virus nguy hiểm, làm tổn thương não bộ, gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Được biết, bệnh do virus Zika là bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết Virus Zika có thể làm tổn thương não bộ, tiêu diệt các tế bào não bộ đang phát triển, gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do truyền từ mẹ sang con. Ngoài ra, virus Zika cũng gây ra hội chứng Guillain Barre, tổn thương thần kinh có thể gây liệt. Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, Zika được phát hiện lần đầu tiên vào 1947 và trong nhiều thập niên chỉ có những ổ dịch nhỏ, rải rác xuất hiện. Đa số bệnh nhân không có triệu chứng, người bệnh nặng nhất chỉ có nổi ban và đau khớp.

Đà Nẵng: Phát hiện trường hợp nhiễm virus gây bệnh đầu nhỏ

Ảnh minh họa.

Thông tin trên Zing, Bộ Y tế thống kê kể từ khi xuất hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh do virus Zika tại Khánh Hòa vào tháng 3/2016 đến nay, cả nước đã ghi nhận 265 trường hợp mắc, tập trung chủ yếu khu vực phía Nam, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Bên cạnh đó, tính từ đầu năm 2020, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh.

Bộ Y tế vừa ban hành công văn khẩn để kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để loại virus nguy hiểm này bùng phát, lan rộng. Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội tích cực triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải... là nơi sinh sản của muỗi để loại bỏ và tiêu diệt; yêu cầu các sở y tế giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch hiện có và mới phát sinh để phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay, không để dịch bùng phát, lan rộng; tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp; thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm khẳng định.

Đồng thời, các cơ sở Y tế tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2-3 lần cách nhau một tuần để xử lý triệt để các ổ dịch, thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế các trường hợp tử vong, phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.

Nguyễn Mai (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN