Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:09
RSS

Đã có máy đo nồng độ cồn mới, không cần ống thổi vẫn tìm được "ma men"

Thứ năm, 31/10/2019, 13:28 (GMT+7)

Ở các thiết bị cũ, xác suất dư lượng nồng độ cồn ở người được kiểm tra trước vẫn còn khiến không ít trường hợp khi kiểm tra bị oan. Với loại máy mới không cần sử dụng ống thổi sẽ đảm bảo tính chính xác, vệ sinh và tiết kiệm chi phí hơn.

Đã có máy đo nồng độ cồn mới, không cần ống thổi
Thiết bị đo nồng độ cồn thế hệ mới được chuyển giao cho lực lượng CSGT TP.HCM. Ảnh: báo Giao thông.

Chiều 30/10, Ban ATGT TP.HCM phối hợp cùng nhà cung cấp và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ bàn giao 10 thiết bị đo nồng độ cồn thế hệ mới cho CSGT TP.Hồ Chí Minh. Hệ thống máy đo nồng độ cồn được sản xuất tại Australia.

Ông Trần Khương Đảm, đại diện đơn vị phân phối loại máy này cho biết, với máy đo độ cồn thế hệ mới, CSGT không cần sử dụng ống thổi nên đảm bảo vệ sinh và tiết kiệm chi phí. Máy có công nghệ cảm biến thông qua hơi thở sẽ giúp các chiến sĩ CSGT dễ dàng tác nghiệp tại hiện trường.

"Đặc biệt thiết bị đo nồng độ cồn thế hệ mới sau khi kiểm tra sẽ không tồn đọng dư lượng nồng độ cồn của người kiểm tra trước. Ở các thiết bị cũ, khi dùng ống thổi, xác suất dư lượng nồng độ cồn vẫn còn khiến không ít trường hợp khi kiểm tra bị oan.

Sau khi đo, máy sẽ in ra thông số chi tiết của người vừa được kiểm tra. Khi hết mực và hết giấy có thể thay và mua bất cứ đâu", ông Đảm nói.

Đã có máy đo nồng độ cồn mới, không cần ống thổi 2
Cận cảnh máy đo nồng độ cồn thế hệ mới. Ảnh: báo Giao thông.

Theo báo Thanh Niên, tại TP. Hồ Chí Minh, mô hình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế đã được triển khai áp dụng từ năm 2014. Đây là mô hình kiểm soát nồng độ cồn được tiến hành tại Trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường nhưng phải đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức triển khai kiểm soát xử lý vi phạm và không gây ùn tắc giao thông.

Trước đây, việc kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế chỉ áp dụng tại một số trạm thu phí. Các điểm khác sẽ kiểm tra bằng cách thổi ống vào máy đo nồng độ cồn ở chế độ định lượng nên mất nhiều thời gian hơn và số lượng người được kiểm tra ít hơn so với việc kiểm tra theo kinh nghiệm quốc tế.

Khi vào làn đường kiểm tra, người chạy xe không cần xuống xe, chỉ cần nhìn CSGT trả lời một số câu hỏi như: "Anh chạy xe có mang theo giấy tờ không?", "Quê anh ở đâu?", hoặc đếm từ 1 đến 5 là máy đo nồng độ cồn trên tay CSGT sẽ xác định được có vi phạm về nồng độ cồn hay không.

Nếu không có vi phạm, CSGT sẽ cảm ơn và mời người chạy xe tiếp tục hành trình. Trường hợp phát hiện có vi phạm máy sẽ hiện dòng chữ "Cảnh báo" như hình thì người chạy xe sẽ được yêu cầu xuống xe để xác định mức độ vi phạm.

Đã có máy đo nồng độ cồn mới, không cần ống thổi 4
CSGT TP.Hồ Chí Minh kiểm tra nồng độ cồn tài xế. Ảnh: báo Thanh Niên.

Nhiều trường hợp tài xế ô tô khi nói chuyện với CSGT máy báo "Cảnh báo" nhưng khi kiểm tra định lượng để xác định mức độ vi phạm thì không có cồn. CSGT giải thích đây là do trong xe đang chở người vừa sử dụng rượu, bia hoặc có mùi rượu, bia trong xe.

Theo lãnh đạo Đội tham mưu thuộc PC67, việc kiểm tra nồng độ cồn thường xuyên đã góp phần kéo giảm được số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Minh Anh (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN