Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:23
RSS

Cuộc sống địa ngục của cô gái bị ép đính hôn từ năm 8 tuổi, chồng cưỡng bức và chính cha đẻ đánh đập

Thứ bảy, 24/03/2018, 07:22 (GMT+7)

Naila, 28 tuổi người Mỹ cho biết cô đã phải trải qua cuộc sống nô lệ trong chính cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt từ năm cô 8 tuổi.

Đính hôn năm 8 tuổi

Naila nhớ lại quá khứ kinh hoàng đã ám ảnh cô cho đến ngày hôm nay. Đó là trong một đám cưới của họ hàng, Naila khi ấy 8 tuổi, có một số cô gái chỉ vào Naila cười khúc khích nói: "Cậu có biết chuyện xảy ra tối qua không. Cậu đã được đính hôn rồi". Cô bé 8 tuổi đã bị sốc và choáng váng. Naila không hiểu vì sao cha mẹ có thể làm điều này mà họ không nói gì với cô cả.

Gia đình Naila theo đạo Hồi nên việc cha mẹ tự sắp đặt chuyện hôn nhân của con cái được coi là một điều hiển nhiên. Cô bé Naila quay trở lại trường học ở Queens, New York trong tâm trạng vẫn còn bị sốc.


Naila bị bố mẹ sắp đặt hôn nhân khi mới 8 tuổi.

Naila bắt đầu nổi loạn chống lại cuộc sống đạo Hồi nghiêm ngặt tại quê hương Pakistan của cô bé. Naila ngừng dùng chiếc khăn trùm đầu, mượn quần áo phương Tây của những người hàng xóm để đến trường.

Vào lúc 13 tuổi, bố mẹ cô đã gửi cô đến Pakistan để thực hiện hôn lễ theo kiểu Hồi giáo, nơi cô bé buộc phải mặc chiếc váy cưới truyền thông. Khi trở về nhà, cha cô đã hợp pháp hóa hôn nhân của con gái mình với chính quyền ở Mỹ

Năm 14 tuổi, cô gái chính thức kết hôn hợp pháp với sự đồng ý của cha mẹ vì 25 tiểu bang ở Mỹ không có yêu cầu tối thiểu về độ tuổi kết hôn. Naila tiếp tục nổi loạn và thậm chí bắt đầu hẹn hò với một cậu bé Mỹ bằng tuổi. Sau đó cha em phát hiện và đánh đập em rất thậm tệ.


Naila năm 14 tuổi đã được công nhận kết hôn hợp pháp ở Mỹ.

Cuộc sống nô lệ ở Pakistan

Naila bị cha mẹ gửi từ New York đến Pakistan, nơi cô bắt đầu cuộc hôn nhân địa ngục. "Ngày cưới chính thức của tôi là vào ngày 5/1/2005 và lúc ấy tôi vừa mới 15 tuổi. Tôi rất đau khổ và ngày cưới của tôi thực sự đáng sợ", cô gái chia sẻ.

"Lúc ấy tôi chỉ là một đứa trẻ, tôi phải nấu ăn cho tất cả các thành viên trong gia đình. Tôi đã cố gắng tự giết mình nhiều lần nhưng khi bị phát hiện, họ đã đánh đập tôi. Tôi làm bất cứ điều gì để ngăn không quan hệ tình dục với chồng mình. Tôi đã từng giả vờ là tôi bị sỏi thận".


Naila trong ngày cưới khi vừa 15 tuổi.

Mười ngày sau khi kết hôn, Naila cố gắng chạy trốn để đến đại sứ quán Hoa Kỳ tại Islamabad. Tuy nhiên mọi nỗ lực của cô đã thất bại. Cô bị đem về nhà chồng và bị họ đánh đập tàn nhẫn.

"Anh ta đánh tôi trước mặt cả gia đình, chị gái anh ta, em gái tôi, mẹ của tôi cũng có mặt. Anh ta túm tóc kéo lê tôi trên sàn nhà đến nỗi tôi có một mảng đầu bị hói không bao giờ tóc mọc trở lại. Anh ta bắt đầu đá vào đầu tôi. Tồi tệ hơn là cha tôi cũng tham gia đánh tôi".

Sau sự việc đó, Naila bị chồng hãm hiếp ngay trên sàn nhà lạnh lẽo. "Anh ta nói với tôi rằng cơ thể này là của tôi nhưng anh ta sở hữu nó", Naila cho biết.

5 tháng sau khi con gái kết hôn, cha mẹ của Naila trở về Mỹ. Naila đã mượn điện thoại của chú và gọi cho nhân viên bảo vệ trẻ em ở New York. Các nhà chức trách sau đó đã bắt mẹ cô ngay khi mẹ cô đặt chân tới Mỹ và bị buộc tội bắt cóc Naila. Để bảo đảm cho mẹ cô được thả ra, cha của Naila nói với chồng cô rằng cô phải trở về New York.

Khi đến sân bay JFK, Naila cảm thấy nhẹ nhõm. Phi công đã thông báo cô sẽ là người đầu tiên lên máy bay và cô được chào đón bởi một nhóm gồm 20 nhân viên xã hội và các nhân viên bảo vệ trẻ em.

Chiến đấu không mệt mỏi

Bây giờ Naila đã 28 tuổi, cô đang sống cùng với bạn trai ở Long Island. Cô ấy không ngừng tham gia các hoạt động chống lại nạn tảo hôn. Cô đã tham gia nói chuyện ở các trường trung học và thậm chí cả Liên Hợp Quốc. Cô không muốn bất cứ đứa trẻ nào rơi vào hoàn cảnh tương tự như cô từng trải qua.


Hiện Naila vẫn phải chịu đựng hệ quả do cuộc hôn nhân sắp đặt để lại.

Cô đã thành lập tổ chức từ thiện của mình mang tên Quỹ Naila Amin và ước mơ thành lập một nhóm gia đình, nơi mà các nạn nhân của cuộc hôn nhân cưỡng bức có thể sinh sông. Tuy nhiên, Naila vẫn phải chịu đựng các vấn đề về thể chất và tinh thần do cuộc hôn nhân địa ngục để lại.

"Tôi bị mắc chứng bệnh rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Tôi đã bị cướp mất tuổi thơ và cả tuổi trẻ. Vì vậy tôi muốn thấy luật pháp cần phải được thay đổi để chúng ta chấm dứt nạn tảo hôn ở đây. Tôi đã đánh mất một phần cuộc đời và không thể nào lấy lại được. Do đó, tôi không muốn thấy đứa trẻ nào cũng bị hủy hoại như tôi nữa".


Xem thêm: Những khoảnh khắc ám ảnh trong cụ cháy chung cư 13 người chết

Diệp Lục
Theo Trí Thức Trẻ