Thứ bảy, 05/10/2024 | 04:12
RSS

Cúm gia cầm lây sang người nguy hiểm đến mức nào?

Thứ ba, 25/10/2022, 06:15 (GMT+7)

Sau 8 năm vắng bóng, Việt Nam lại ghi nhận ca cúm gia cầm lây sang người ở bé gái 5 tuổi. Hai người mắc cúm A/H5N1 gần nhất là vào năm 2014 và cả 2 đều tử vong.

Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Trước nguy cơ cúm gia cầm lây lan sang người, chiều 24/10, Bộ Y tế đã có công điện khẩn, yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống cúm gia cầm. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân cách phòng ngừa lây lan cúm gia cầm sang người, không ăn gia cầm bệnh, không tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, chết mà không có bảo hộ…

Trước đó, ngày 20/10, Bộ Y tế đã công bố về việc tái xuất hiện ca nhiễm cúm gia cầm (cúm A/H5) trên người sau 8 năm vắng bóng.

Đó là bé gái 5 tuổi (địa chỉ tại khu 10, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Trước đó ngày 5/10, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ.


Bộ Y tế: Luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Ảnh minh họa Istockphoto

Ngày 7/10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, gia đình đưa bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được chẩn đoán: Suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân; chuyển tuyến Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, tại đây trẻ được thăm khám và cũng được chẩn đoán: Suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân.

Ngày 8/10, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến ngày 10/10, trẻ được bệnh viện xét nghiệm định type cúm A/H5. Ngày 17/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định dương tính với virus cúm A/H5. Một chuyên gia dịch tễ cho biết mẫu xét nghiệm của bệnh nhân mới chỉ khẳng định nhiễm cúm A/H5 và chưa đủ để đánh giá nhiễm kháng nguyên "N" nào.

Theo lời người nhà của bệnh nhi kể, khoảng 1 tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình có mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn.

Bộ Y tế nhận định: "Cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác ở các đàn gia cầm ở nhiều địa phương. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng.

Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người".

Cúm gia cầm biến đổi không ngừng

Một chuyên gia y tế cho biết, cúm A có tới 15 loại kháng nguyên H (từ H1- H15) và và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Những cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân tuýp khác nhau của virus cúm A.

Hiện trên thế giới ghi nhận hàng chục loại cúm gia cầm, nhiều loại cúm đã lây lan sang người với tỷ lệ tử vong cao. Hiện nay đang ghi nhận 1 số cúm gia cầm có thể lây lan sang người và nguy hiểm như như H5N1, H7N9, H5N8.. Trong các cúm gia cầm lây lan sang người, tại Việt Nam chưa ghi nhận các chủng H7N9, H5N6.

Tại Việt Nam, cúm gia cầm lây lan sang người là cúm A/H5N1. Tính từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 64 người tử vong (chiếm gần 50%).


Virus cúm gia cầm biến đổi không ngừng. Ảnh minh họa Istockphoto

Virus A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao. Các nhà khoa học đánh giá virus H5N1 là loại virus có khả năng tự biến đổi (hoặc tái tổ hợp) rất cao. Virus H5N1 có thể kết hợp với virus cúm ở người tạo ra một loại virus mới có đầy đủ tính năng của 2 loại virus cũ, dễ dàng tạo ra đại dịch cúm cho người với tỉ lệ biến chứng nặng, nguy cơ tử vong là rất lớn.

Tỷ lệ biến chứng và tử vong cao người do nhiễm cúm A/H5N1 rất cao (từ 50-60% trường hợp mắc).

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cúm A/H5N1 lây lan qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với các vật, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Nếu không xảy ra dịch trên gia cầm thì cũng không xảy ra dịch bệnh trên người.

Về lo ngại cúm gia cầm sẽ lây lan và bùng phát sang người, PGS Phu phân tích, hiện nay ổ dịch này đã được khoanh vùng, điều tra dịch tễ và sau hơn 2 tuần không ghi nhận thêm ca bệnh mới, trong khi đó sức khoẻ cháu bé cũng đang hồi phục tốt.

Việc dịch bệnh 8 năm mới tái xuất trên người có thể thấy ngoài công tác phòng chống, giám sát dịch thì ý thức của người dân trong việc phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người đã có những thay đổi tốt hơn.

Bên cạnh đó cũng có thể độc lực của chủng cúm A/H5N1 đã giảm khả năng bùng phát các ổ dịch ở gia cầm cũng như việc lây từ gia cầm cho người cũng giảm đi, hoặc độc lực của cúm A/H5N1 không mạnh như trước.

"Đặc biệt qua giám sát của Cục Thú y thì chưa thấy sự bùng phát các ổ dịch trên đàn gia cầm… Đây cũng chỉ là những ổ dịch nhỏ lẻ. Do đó, người dân không nên lơ là, chủ quan nhưng cũng không lo lắng hoang mang. Cách tốt nhất là tuân theo các hướng dẫn phòng dịch của ngành y tế", PGS Phu khuyến cáo.

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm gia cầm lây sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

 

Diệu Linh
Theo Dân Việt