Ngày 19/6, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho biết vừa hoàn tất việc chi trả tiền bồi thường oan sai trên 6,7 tỉ đồng cho ông Trần Văn Thêm (43 tuổi, ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh).
Việc bồi thường oan sai cho ông Trần Văn Thêm đã được Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) ra quyết định giải quyết từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, việc cấp kinh phí bồi thường gặp nhiều khó khăn, kéo dài, cho đến nay thì Bộ Tài chính đã cấp kinh phí và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành việc chi trả tiền bồi thường theo quy định.
Tuy nhiên, phản ánh với PV Dân trí, ông Trần Văn Sáu (con trai cụ ông Trần Văn Thêm) khẳng định, đến nay ông Thêm mới chỉ nhận được số tiền trên 2 tỷ đồng.
Ông Sáu nhấn mạnh, mặc dù việc bồi thường đã diễn ra từ năm 2018 nhưng cách đây ít ngày, khi Dân trí và một số báo thông tin thì gia đình mới nắm được việc TAND Cấp cao tại Hà Nội đã bồi thường cho bố mình số tiền trên 6,7 tỷ đồng. Việc bồi thường như thế nào và “chia” số tiền đó ra sao suốt 1 năm vừa qua gia đình ông Thêm đều không hay biết; cũng không nhận được quyết định bồi thường của TAND Cấp cao tại Hà Nội.
“Năm ngoái, bố tôi và một đứa cháu họ tên là Đ. đi taxi lên văn phòng của ông Hoà, sau đó chỉ cầm về hơn 2 tỷ đồng. Chúng tôi cứ nghĩ chỉ được bồi thường có bấy nhiêu. Bố tôi có chia cho con cháu mỗi người một ít, nhưng cả gia đình đều không biết ông cụ được bồi thường bao nhiêu”- ông Sáu nói.
Anh Trần Văn Phường (cháu ông Thêm) cũng khẳng định, đến nay ông Trần Văn Thêm chỉ nhận được số tiền trên 2 tỷ đồng (!).
“Gia đình hoàn toàn không biết thông tin về việc Nhà nước đã bồi thường cho ông Thêm trên 6,7 tỷ đồng cho tới khi báo chí thông tin mới đây”- anh Phường nói.
Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại chiều 1/7, ông Nguyễn Văn Hoà (Phó giám đốc Công ty luật Hoà Lợi) lại khẳng định đã thanh toán hết số tiền mà Nhà nước bồi thường cho ông Trần Văn Thêm và việc này còn có sự chứng kiến của anh Đ. - cháu họ ông Thêm (?!).
Chiều 1/7, ông Trần Văn Sáu khẳng định đang tổ chức họp toàn thể gia đình để đi tới thống nhất làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ việc chi trả số tiền bồi thường 6,7 tỷ đồng và đến nay số tiền đó đã được những cá nhân nào sử dụng, chiếm giữ không đúng quy định pháp luật
Lý giải việc không thông tin bồi thường với con cháu ông Thêm, đại diện TAND Cấp cao tại Hà Nội khẳng định đã chi trả số tiền 6,7 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Văn Hoà đúng quy định vì trong giấy uỷ quyền còn có cả lăn tay của ông Trần Văn Thêm.
Giữa ông Thêm, ông Hoà và người liên quan có thương lượng về việc “chia” số tiền này như thế nào hay không thì TAND Cấp cao không nắm được vì đó là quan hệ dân sự.
Như Thanh Niên phản ánh, từ tháng 3/1970, ông Nguyễn Văn Thêm cùng người em con cô ruột tên là Nguyễn Khắc Văn đi xe đạp lên Vĩnh Phúc để bán thuốc lào và mua trám mang về chợ quê bán. Trong một lần đi buôn, vào đêm 24/7/1970, hai anh em ông Thêm nhỡ độ đường nên ghé vào ngủ ở lều cắt tóc lụp xụp cạnh Cầu Diện thuộc xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Nửa đêm, hai người bị cướp tấn công, ông Văn bị thương nặng rồi tử vong do vật cứng đánh vào đầu. Sau đó, ông Nguyễn Văn Thêm bị cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú cáo buộc đã giết em họ để cướp của.
Cuối năm 1973, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú đưa ra xét xử và kết tội ông Nguyễn Văn Thêm án tử hình về tội giết người, cướp tài sản. Đến năm 1974, Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm kết tội y án sơ thẩm mức án tử hình.
Năm 1975, Phan Thanh Nhàn (17 tuổi, trú tại thôn Phần Thạc xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) khi cải tạo trong một trại giam ở tỉnh Lào Cai đã khai nhận giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn. Qua lời khai của đối tượng Nhàn, đối chiếu với hiện trường xảy ra vụ án, tổ chức thực nghiệm lại hiện trường, cơ quan chức năng xác định Nhàn là hung thủ giết ông Văn và đánh ông Thêm bị thương vào ngày 24/7/1970.
Căn cứ vào kết luận của cơ quan chức năng, Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.
Ngày 27/12/1975, ông Thêm được đưa ra khỏi phòng biệt giam để gặp cán bộ Bộ Công an và Công an tỉnh Vĩnh Phú. Sau 2 ngày ở Bộ Công an, chiều 29/12/1975, ông Thêm được giải thích do có vết thương trên đầu nên Bộ Công an cấp cho một giấy miễn lao động nặng, rồi cho về quê.
Kể từ đó đến nay, việc điều tra lại vẫn chưa được các cơ quan chức năng thực hiện, về mặt pháp lý vẫn chưa có quyết định đình chỉ, hoặc tiếp tục truy tố đối với ông Trần Văn Thêm.
Sau khi được tạm tha, ông Trần Văn Thêm đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng. Đến năm 2015, Tòa án nhân dân tối cao đã sao chụp và nhận được các tài liệu liên quan do gia đình ông Thêm cung cấp. Từ đó, các cơ quan tố tụng T.Ư tiến hành xem xét, xác định ông Thêm không thực hiện hành vi giết ông Nguyễn Khắc Văn năm 1970.
Tháng 8/2016, tại hội trường trung tâm ở thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), các cơ quan tố tụng T.Ư đã công bố quyết định đình chỉ bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm, kết thúc 43 năm oan sai. Trong vụ án oan này, gia đình ông Thêm đã yêu cầu bồi thường 12 tỉ đồng, nhưng qua nhiều phiên thỏa thuận, việc bồi thường chốt lại con số hơn 6,7 tỉ đồng.