Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:38
RSS

Cụ ông 80 tuổi viết di chúc để lại căn nhà 12 tỷ cho người nghèo

Thứ tư, 01/07/2020, 09:48 (GMT+7)

Ngoài tờ di chúc đặc biệt, điều ít ai biết là trong suốt những năm vừa qua, dãy phòng trọ của ông Đề có một "quỹ cứu kẹt" dành cho những người khách trọ.

Cụ ông 80 tuổi viết di chúc để lại căn nhà 12 tỷ cho người nghèo
Ông Hồ Đề là chủ nhân của ngôi nhà trọ 24 phòng, rộng 120m2 ở quận Phú Nhuận. Ảnh: Trí thức trẻ

Một cụ ông tại Sài Gòn sau 45 năm làm việc thiện, đến cuối đời ông cũng đã 'dâng hiến' ngôi nhà 12 tỷ cho người nghèo dù có vợ con đầy đủ. Người đàn ông kỳ lạ ấy chính là Hồ Đề, là chủ nhân của căn nhà cấp 4 rộng 120m2, trên đường Nguyễn Công Hoan, quận Phú Nhuận, TP.HCM với phần trệt và gác lửng được chia làm 24 phòng.

Trí thức trẻ cho biết, ngôi nhà đã từng được hỏi mua với giá 12 tỷ đồng nhưng ông vẫn không bán. Trong căn nhà này, mỗi phòng trọ có thể ở được từ 1-2 người và thường có giá rất rẻ, có khi ông cũng không lấy tiền.

Ông Đề cũng có 2 người con và đều đã trưởng thành, lập nghiệp xa nhà.

Sau thời gian tích góp được một khoản hỗ trợ giúp các con ổn định cuộc sống, ông đã quyết định viết hai bản di chúc.

Cụ thể, trong tờ di chúc đặc biệt của mình, khi ông mất đi, các phòng trọ trong nhà sẽ dành toàn bộ cho người nghèo, sinh viên nghèo và người già neo đơn ở miễn phí. Riêng nhà hương hỏa sẽ do con gái, con trai ông Đề cho thuê mướn để lấy tiền lo hiếu sự và khuyến học, lợi nhuận của nhà hương hỏa được ông chia làm 5 phần rành mạch.

10% lo cúng giỗ tổ tiên, ông bà xứ Huế, 10% lo cúng giỗ cha mẹ ông và vợ chồng ông, 20% làm quỹ tu sửa nhà hương hỏa, 20% cho người ký hợp đồng cho thuê nhà hưởng lợi, còn lại 20% được ông dùng làm quỹ khuyến học để tặng cho các học sinh, sinh viên có thành tích cao.

Cụ ông 80 tuổi viết di chúc để lại căn nhà 12 tỷ cho người nghèo
Bản di chúc khiến nhiều người khẩu phục.

Ngoài tờ di chúc đặc biệt, điều ít ai biết là trong suốt những năm vừa qua, dãy phòng trọ của ông Đề có một "quỹ cứu kẹt" dành cho những người khách trọ.

Ai kẹt thì có thể đến lấy, có tiền rồi hoàn trả cho ông, thậm chí nhiều người kẹt mãi không hết, ông cũng cho luôn. Chứ người ta khó khăn mới cần giúp, chẳng hạn như sinh viên cần tiền để đóng học phí, hay ốm đau bất ngờ thì phải nhờ cứu kẹt.

Đợt dịch covid-19 vừa qua, ông đã miễn phí 2 tháng tiền nhà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nào về quê không có tiền.

Ngoài ra, ông Đề còn làm chủ hôn cho cả 10 cặp đám cưới mà tiền lấy từ "quỹ cứu kẹt". Có cặp không có tiền làm đám, ông liền chi 50 triệu cứu kẹt, thế là đám xong lãi tận 25 triệu, mọi người lại có tiền để vun vén cho tương lai.

Theo VTV, ngoài việc miễn, giảm tiền trọ, sẵn sàng "cứu kẹt" cho mọi người, ông Đề còn được các sinh viên trong nhà trọ xem như một cuốn "từ điển sống" về ngữ pháp tiếng Anh và vi tính. 

"Ở đây trọ, ông hỗ trợ em rất nhiều, dạy cho em ngữ pháp tiếng Anh. Ông hay đưa ra mấy yêu cầu, nếu mình trả lời đúng thì ông sẽ cho 1 tháng tiền nhà, nên mình phải ráng nghe để trả lời đúng" - em Lê Hồng Nhi (Đắk Lắk) cho hay.

Cụ ông 80 tuổi viết di chúc để lại căn nhà 12 tỷ cho người nghèo
Ông luôn sống với tinh thần "cho đi mà không cần nhận lại". Ảnh: VNN

Trong suốt 45 năm làm thiện nguyện của mình, không ít lần ông bị hoài nghi về lòng tốt của mình nhưng không vì thế mà ông cảm thấy bận lòng: "Người ta nghèo không trả được thì những trường hợp đó đáng cho là mình cho luôn, nên quỹ cứu kẹt tính đến hôm nay đã có hơn trăm triệu không hoàn lại, gọi là 'cứu kẹt không hoàn lại'. Tôi làm việc này không phải để được khen mà để mang hạnh phúc cho người nghèo nên bản thân cũng thấy hạnh phúc" - ông Hồ Đề cho biết trên VNN.

Ở tuổi xế chiều, ông luôn sống với tinh thần "cho đi mà không cần nhận lại" để có thể cưu mang, giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống hơn nữa.

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN