Căn nhà nhỏ cấp 4 nằm sâu trong kiệt 68 đường Điện Biên Phủ, (phường Trường An, TP. Huế) hàng chục năm qua đã trở nên quen thuộc với hàng trăm em học sinh nghèo tại Thừa Thiên Huế. Đó là nơi đã ươm mầm cho bao ước mơ, hoài bão của các em từ những buổi học miễn phí do chính cụ Trần Thị Bê (91 tuổi) là người đứng lớp.
Căn nhà cấp 4 của bà Bê luôn rộn rã tiếng đọc bài, phát âm của học trò vào mỗi tối thứ 3,5,7 hàng tuần.
Trong ngôi nhà quen thuộc, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh của các em học sinh qua nhiều thế hệ được treo ngay ngắn trên tường.
Từ căn phòng nhỏ phía trong cụ Bê bước ra với những bước đi thanh thoát dù mái tóc đã bạc trắng và lưng đã còng đi nhiều do tuối tác.
Sau vài lời chào hỏi, cụ Bê chia sẻ, cụ là con thứ hai trong một gia đình nghèo có 7 anh em. Bố mất sớm nên các anh chị em của cụ do một mình mẹ nuôi lớn nhờ sớm hôm tần tảo với nghề may vá, thêu dệt.
Kinh tế gia đình khó khăn nên từ nhỏ cụ đã có ý định nghỉ học nhưng gia đình không đồng ý nên xin cho cụ vào học miễn phí tại trường Jeanne d'Arc ở đường Trần Cao Vân, Thành phố Huế (nay gọi là trường THPT Nguyễn Trường Tộ).
Năm 1970, cụ ra trường và được tuyển vào làm ở ngành bưu điện với công việc đánh máy chữ. Nhưng cụ theo việc được 15 năm thì nghỉ. Suốt 10 năm sau, cụ Bê chỉ ở nhà nấu cơm phục vụ cho sinh viên nghèo học ở Huế. Quá trình đó cụ thấu hiểu được những khó khăn không chỉ của sinh viên mà còn cả các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như cụ lúc còn nhỏ nên đầu năm 1995 cụ bắt đầu mở lớp dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo.
Ban đầu cụ dạy các em nhỏ tập đọc, tập viết, làm phép tính. Sau đó, vì nhu cầu phát triển của xã hội nên cụ quyết định học thêm tiếng Anh và tiếng Pháp rồi dạy lại cho các em học sinh, sinh viên đại học và cả những người đã đi làm.
“Thời điểm đó, nhà mệ (cụ – PV) cũng không khá giả gì so với nhà khác nhưng do tình thương các cháu nhỏ có hoàn cảnh không được đến lớp hoặc không có tiền học thêm nên mở lớp học miễn phí. Cứ đến tối thứ 3,5,7 là mệ trông cho mau đến giờ để được gặp học trò bởi xa các cháu buồn lắm con ạ” – cụ Bê cho biết.
Cụ Bê đang dịch cuốn sách Tiếng Anh lớp 4 để chuẩn bị dạy cho học sinh vào buổi học tiếp theo.
Theo chia sẻ của cụ Trần Thị Bê, giáo trình học đều do cụ tự soạn thảo. Vì thế, sau những buổi dạy cụ lại thức đến khuya để chuẩn bị kiến thức cho buổi học tiếp theo. Những ngày đầu, lớp học của cụ luôn duy trì từ 60 đến 70 học trò, tuy nhiên, do tuổi già sức yếu dần nên hiện nay cụ chỉ nhận dạy kèm miễn phí môn tiếng Anh và tiếng Pháp cho 5 cháu có hoàn cảnh khó khăn vào các tối thứ 3, 5, 7 hàng tuần.
Bước sang tuổi 91 nhưng mắt cụ Bê vẫn sáng vì thế cụ vẫn cần mẫn gieo từng con chữ cho nhiều em học sinh nghèo. Trong căn nhà cấp 4 sập sệ ấy mỗi tố lại rộn rã tiếng đọc bài, phát âm của đám học trò nghèo. Sau buổi học, các em nhỏ lại được cụ Bê thưởng những món quà nhỏ khi thì vài chiếc bánh kẹo, khi quả cam…
Bao nhiêu năm nay có quen với không gian rộn rã tiếng cười của đám học trò mỗi tối nên mỗi lần các em ra về cụ lại thấy trống vắng, thiếu thốn điều gì đó rồi lại mong cho nhanh đến ngày để đón chúng quay lại. Mấy năm nay vì lo cho sức khỏe của cụ nên các con đã khuyên cụ nghỉ dạy nhưng thói quen đã nhiều năm và tình yêu thương dành cho đám trẻ nghèo lại thôi thúc cụ đứng lớp.
“Nghỉ sao được, chừng nào còn đi lại được chừng đó bà vẫn còn dạy cho học sinh nghèo, bởi khi dạy được học trò cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn và niềm vui lại đến với mệ”, cụ Bê tươi cười nói.
Biết bao nhiêu thế hệ học trò nghèo đã được cụ Trần Thị Bê dạy học miễn phí
Hơn 20 năm mở lớp dạy học tình thương, cũng ngần ấy năm cụ Bê làm cô giáo không lương cho hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo. Từ ngôi nhà đó biết bao nhiêu em đã trưởng thành, đỗ đạt, có em nhớ đến cụ để về thăm cũng có những em chưa một lần trở lại nhưng cụ Bê luôn vui vẻ chẳng bao giờ trách oán gì ai.
Với cụ Bê nhìn đám học trò nghèo vui vẻ, trưởng thành đó là sự đền đáp lớn lao nhất mà cụ mong được nhận từ các em.