Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:04
RSS

CSGT Hà Nội bác thông tin thổi nồng độ cồn có nguy cơ lây nhiễm virus corona

Thứ sáu, 24/01/2020, 15:33 (GMT+7)

Nhiều người lo lắng, việc thôi nồng độ cồn sẽ khiến dịch bệnh virus corona (nCoV) có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh? Trước vấn đề trên, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội đã lên tiếng.

CSGT nói gì về việc thổi nồng độ cồn có nguy cơ lây nhiễm virus corona?
CSGT tiến hành kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh minh họa.

Chiều 24/1, trao đổi với PV, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho biết, theo quy định, mỗi một trường hợp người tham gia giao thông được yêu cầu thổi nồng độ cồn đều dùng ống thổi riêng.

Thực tế, để công tác kiểm tra được nhanh chóng, ngay khi kiểm tra nồng độ cồn của trường hợp này xong, CSGT sẽ tự thay ống mới để làm việc tiếp với các trường hợp sau đó. Có lẽ vì nhiều người không tận mắt thấy CSGT thay ống thổi mà chê ống bẩn, mất vệ sinh, có nguy cơ lây bệnh.

Thời gian gần đây xuất hiện dịch bệnh virus corona (nCoV) khiến nhiều người dân lo ngại về việc thổi nồng độ cồn sẽ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh? Trước câu hỏi trên, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho hay, người dân không cần phải lo lắng bị lây bệnh khi thổi nồng độ cồn. Vì mỗi lượt kiểm tra là một ống thổi mới, sau khi người này kiểm tra xong, ống thổi sẽ được bỏ đi để thay thế bằng ống thổi mới.

“Máy đo nồng độ cồn mà CSGT sử dụng là máy được trang cấp bởi cơ quan chức năng đã được kiểm định an toàn kỹ thuật. Do vậy, máy đo nồng độ cồn sẽ đảm bảo và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khi được thực hiện”, vị lãnh đạo cho hay.

Trước đó, trong cuộc họp khẩn trưa nay 24/1 (tức ngày 30 Tết) về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV), Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng khẳng định, đã theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, với dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam.

Theo đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế giám sát nghiêm ngặt tại cửa khẩu, cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện kịp thời, cách ly, quản lý chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, không để lây lan rộng.

Phát biểu trong cuộc họp trưa nay, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mức độ lây khác nhau, sởi lây cao nhất rồi đến thuỷ đậu, cúm, sars, còn với bệnh virus corona mới này cũng có nguy cơ lây nhiễm. Vì thế các chuyên gia y tế khuyến cáo dùng ống thổi 1 lần cho mỗi người khác nhau.

Tính đến ngày 23/1, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp bệnh xâm nhập là công dân đến từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc Các trường hợp nói trên đã được phát hiện kịp thời, tổ chức cách ly chặt chẽ tại bệnh viện để không làm lây lan dịch bệnh. Hai bệnh nhân này được điều trị đúng theo phác đồ, đến nay sức khỏe đã ổn định.

Theo Uỷ ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến ngày 23/1 số ca nhiễm virus corona mới ở nước này đã tăng lên 830 trường hợp, với 25 người thiệt mạng.

Để tiếp tục chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng không nên hoang mang, lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh bao gồm:

1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

4. Người dân không nên đi/đến khu vực đang có dịch tại Trung Quốc nếu không cần thiết.

5. Những người trở về vùng có dịch tại Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp câp do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Nguyễn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN