Thứ bảy, 14/09/2024 | 04:45
RSS

Công dụng chữa bệnh bất ngờ của món bánh chưng ngày Tết

Thứ ba, 14/01/2020, 15:24 (GMT+7)

Không chỉ là biểu tượng văn hóa ẩm thực của người Việt, bánh chưng còn là vị thuốc quý bởi mỗi nguyên liệu trong bánh đều có tác dụng đối với sức khỏe.

Ngày Tết, trong mỗi gia đình Việt không thể thiếu món bánh chưng. Món ăn này không chỉ trở thành biểu tượng văn hóa ẩm thực mà còn được biết đến là một trong những thực phẩm cổ truyền giàu dinh dưỡng và là vị thuốc có lợi ích bất ngờ cho sức khỏe

Bánh chưng được phối hợp tổng hòa từ nhiều nguyên liệu như: gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gia vị tiêu, hành, lá dong. Đây là sự kết hợp tương đồng rất khoa học và sáng tạo phù hợp nhu cầu dinh dưỡng nhiều lứa tuổi.

Theo lương y Minh Phúc, Hội Đông y TP Vũng Tàu cho biết, các nguyên liệu được gói trong chiếc bánh chưng xanh đều có tác dụng đối với sức khỏe. Mỗi nguyên liệu là một vị thuốc quý, điều hòa được âm dương, lưu thông được khí huyết, giải trừ được bệnh tật.

Gạo nếp

Khi chín nhừ trong thủy hỏa có công năng kiên trì, trợ tiêu hóa, bổ cả tì dương lẫn tì âm. Với vị ngọt tính ấm, vào tỳ phế... tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế, chỉ hãn... Trị chứng hư lao tiết tả, tỳ vị hư nhược, đau thượng vị, nhiều mồ hôi, vị hư tiết tả, váng đầu chóng mặt... 

Thịt lợn

Thịt lợn có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng hoạt huyết, nhuận phổi, giải độc, khu phong… Chữa chứng mất tiếng nói, trẻ em, thanh niên tóc khô, da mụn nám, gầy ốm yếu, chậm lớn...

Mỡ lợn cung cấp chất béo (lipid) là chất không thể thiếu cho mọi lứa tuổi. Nếu bổ sung chất béo hợp lý giúp hình thành phát triển của hệ thần kinh, nội tiết tố, sinh dục... Chất béo còn giúp hòa tan hấp thu chuyển hóa các vitamin A, D, E, K cũng như duy trì mềm mại của làn da, mái tóc...

Đậu xanh

Vị ngọt, tính mát, không độc. Tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, sinh tân, trừ phiền, tiêu phù, hạ khí, ích ngũ tạng, sáng nắt, mịn da, giải tất cả các chất độc. Đậu xanh rất giàu protein, lipit, carbohydrat và các axit amin, các vitamin A, B1, B2, PP, B6… Rất thích hợp cho người suy nhược, người già, trẻ em khó lên cân, da khô sần ngứa gãi dùng rất tốt.

Hành

Vị cay, tính ấm, không độc. Tác dụng giải biểu, thông dương, hòa trung, tiêu thực, sát trùng, lợi tiểu tiện, thông huyết ứ... Trị bụng đầy chậm tiêu, viêm nhiễm đường ruột, cảm cúm nhức mỏi, tiểu tiện bất lợi, phong thấp nhức mỏi, ngăn ngừa huyết ứ, kết vón tiểu cầu.

Hạt tiêu

Vị cay ấm có tác dụng ôn trung hạ khí tiêu đờm, kích thích tiêu hóa... Trị chứng bụng lạnh đau, thổ tả, ói mửa, bụng đầy chậm tiêu, trừ độc của thịt cá, nấm.

Muối

Tác dụng tả hỏa, thanh tâm, lương huyết, nhuận táo, dẫn thuốc khác vào kinh thận. Muối natri cân bằng nước và điện giải điều hòa âm dương trong cơ thể... Khi thiếu muối, cơ bắp dễ bị chuột rút, hoa mắt, chóng mặt...

Lá dong

Tác dụng giải độc, thanh nhiệt. Lá dong giúp bảo quản bánh được lâu, có màu xanh, mùi thơm, khai vị kích thích tiêu hoá.

Sự điều hòa của mấy vị ấy trong món ăn đã tăng thêm khẩu vị ngon, bồi dưỡng sức khỏe tốt. Đó chính là giữ được mức bình quân của ngũ hành sinh khắc chế hóa trong cơ thể, lập lại thăng bằng trong âm dương.

Tuy nhiên, bánh chưng giàu chất đường, chất đạm, chất béo nên người đái tháo đường, người đang cần giảm cân không nên ăn nhiều.

Thiên Thanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN