Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:17
RSS

Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng này, coi chừng sốt xuất huyết trở nặng!

Thứ hai, 31/07/2017, 15:37 (GMT+7)

Dịch sốt xuất huyết đã len lỏi vào từng khu phố, thôn, xóm ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hầu hết bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú, theo dõi tại nhà.

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Bùi Vũ Huy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - khi có một số dấu hiệu bất thường sau thì cần đến viện ngay bởi rất có thể, bệnh sốt xuất huyết đã trở nặng: người bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì; nôn nhiều hơn; tự dưng đau bụng hoặc tăng cảm giác đau; đi tiểu ít hơn, số lượng nước tiểu giảm hẳn; có hiện tượng xuất huyết như chảy máu chân răng, chảy máu cam...

Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị sốt xuất huyết nên bệnh nhân  chỉ được điều trị triệu chứng. Bệnh nhân sốt cao cần được hạ sốt bằng paracetamol với liều quy định (tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng trong 24 giờ). Tuyệt đối không hạ sốt bằng các thuốc như aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Nếu uống thuốc hạ sốt mà thân nhiệt vẫn không hạ, có thể cho người bệnh nằm phòng điều hòa với nhiệt độ phòng khoảng 27-28 độ C.

Sốt xuất huyết có đặc điểm là thường diễn biến trong vòng 7-10 ngày. Trong đó, 4 ngày đầu người bệnh sốt rất cao tới 39-40 độ C; người mệt mỏi, chán ăn, đau nhức hố mắt, đau đầu.

Tuy nhiên, trong 1-3 ngày đầu, tình trạng bệnh nhân khá ổn, không nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh sốt xuất huyết thường có diễn biến nguy hiểm từ ngày thứ 4 trở đi, vì vậy cần hết sức lưu ý để theo dõi bệnh nhân trong giai đoạn này.

Sot xuat huyet tro nang

Tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã là một trong những dấu hiệu sốt xuất huyết trở nặng. Ảnh minh họa 

Bên cạnh đó, người bệnh cần được chú ý bù nước, tốt nhất là uống oresol, nếu không thì uống nước hoa quả, nước dừa, nước rau luộc, thậm chí nước lọc cũng rất tốt. Người bệnh cần được nghỉ ngơi hoàn toàn. Trẻ nhỏ nếu bị bệnh, cha mẹ nên nghỉ làm ở nhà để theo dõi sức khỏe con phòng trường hợp dấu hiệu trở nặng lại không kịp thời phát hiện ra.

ThS.BS. Lê Thị Hải (Nguyên giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, bệnh nhân sốt xuất huyết cần được đảm bảo dinh dưỡng, đặc biệt là phải uống nhiều nước bởi bệnh này có đặc điểm là sốt cao, dễ gây mất nước. Nên uống mỗi lần vài ngụm, uống liên tục trong ngày.

Thường xuyên ăn các loại trái cây chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi, nước dừa, dâu tây, ổi, đu đủ,... rất tốt cho việc tăng sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn, vì vậy sẽ làm tình trạng bệnh giảm đi.

Sốt xuất huyết trở nặng

Bưởi là một trong những loại quả giàu vitamin C, rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết. Ảnh Internet

Do người bệnh thường mệt mỏi, kém ăn nên thực đơn cũng cần thay đổi phù hợp với khẩu vị của họ. Thức ăn cho người sốt xuất huyết nên được chế biến lỏng, nhuyễn để giúp dễ tiêu. Cháo, súp là những thực phẩm nên được ăn hàng ngày trong những ngày bị sốt.

Người bệnh không nên ăn uống kiêng khem quá mức, chỉ cần lưu ý không nên ăn những thực phẩm khó tiêu như các món xào, rán, nhiều mỡ béo, không ăn gia vị chua cay... Sữa cũng là lựa chọn cần lưu ý vì vừa bổ sung được lượng nước bị mất, vừa cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh trong giai đoạn khó ăn.

Sốt xuất huyết và những điều bạn phải biết

Diệp Lâm (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN