Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:15
RSS

CLIP: Trẻ giật mình chới với báo hiệu tay chân miệng chuyển biến nặng

Thứ sáu, 19/10/2018, 11:40 (GMT+7)

Đoạn clip ghi lại khoảnh khắc bé gái bị tay chân miệng giật mình chới với cảnh báo bệnh chuyển biến nặng.

Trẻ giật mình chới với báo hiệu tay chân miệng chuyển biến nặng

Mới đây, đoạn video ghi lại cảnh bé gái mắc tay chân miệng bị giật mình chới với do bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM chia sẻ trên trang cá nhân đã gây xôn xao cộng đồng mạng.

Theo đó, clip dài hơn 1 phút ghi lại khoảnh khắc bé gái bị tay chân miệng giật mình chới với. Ngay sau khi đăng tải, đã có hơn 1 nghìn lượt chia sẻ đoạn clip và rất nhiều bình luận cảm ơn bác sĩ thông qua clip đã cảnh báo dấu hiệu chuyển biến nặng của bệnh tay chân miệng.

Theo chia sẻ của bác sĩ Trương Hữu Khanh: "Đoạn video được tôi quay vào năm 2011 - cám ơn bé và mẹ bé đã hợp tác, xin lỗi không thể che mặt vì kỹ thuật và dấu hiệu mở mắt nhìn lên rất quan trọng".

Bác sĩ Khanh cho biết, giật mình chới với là dấu hiệu của những trẻ mắc tay chân miệng. Trẻ giật mình chới với có biểu hiện như lúc vừa thiu thiu ngủ, bé nẩy người nâng 2 tay 2 chân lên, mắt mở lại nhìn lên 1 nhịp rồi lại nhắm mắt thiu thiu ngủ lại. Nếu bị nặng bé chỉ cần nằm ngửa đã giật mình chới với.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây cho người khác, dễ bùng phát thành dịch. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Giật mình, sốt cao không hạ và quấy khóc dai dẳng kéo dài là 3 dấu hiệu cho thấy trẻ mắc tay chân miệng đã diễn biến nặng. Theo bác sĩ chuyên khoa Nhi, nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cần đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời.


Clip trẻ giật mình chới với do chân tay miệng (Video: BS Trương Hữu Khanh)
 

Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang vào mùa, số ca nhập viện tăng nhanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: 

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

 

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN