Thứ ba, 16/04/2024 | 15:52
RSS

Chuyện những tội nhân từng gõ cửa 'ngôi đền thần chết': Bài 3: 'Xác chết' trở lại

Thứ hai, 18/06/2018, 14:00 (GMT+7)

Với những tội nhân từng may mắn thoát án tử hình thì họ coi việc thoát khỏi bàn tay của thần chết ấy chẳng khác gì trở về từ địa ngục…

Tận cùng tuyệt vọng

Đào Minh T. sinh năm 1972, là trai Hà Nội hiện đang thụ án chung thân tại trại giam Tân Lập (Phú Thọ) là một chàng trai hiền lành. T. bảo, với T., tất cả như một cơn ác mộng. Bố mẹ T. ly thân từ khi T.còn bé. Tại đường Thanh Niên, 4 mẹ con T. tần tảo nuôi nhau bằng nghề làm quẩy bán cho hàng phở.

Một ngày cuối năm 2004, sau khi đi dự khai trương quán bia của người bạn thân về, chẳng biết loạng choạng thế nào, xe của T. đã va và làm đổ xe của một người đi đường. Chưa kịp dựng xe dậy thì T. đã bị một thanh niên không biết từ đâu chạy tới chửi bới rồi lao vào đánh.

Đang lây phây men bia, không kìm chế được, T. đã rút con dao bấm trong người đâm luôn một nhát vào người thanh niên đó. Thấy T. có hung khí, người thanh niên ấy đã ôm vết thương bỏ chạy. Tưởng nhát đâm ấy chỉ làm đối thủ bị thương nên đang trong cơn tức giận, chẳng quan tâm, T. lên xe về. Thế nhưng, về nhà được ít phút thì công an đã tìm đến.

Chuyện những tội nhân từng gõ cửa  ngôi đền thần chết: Bài 3: Xác chết trở lại
Đào Minh T. kể lại khoảnh khắc thoát án tử.

Tại trụ sở công an, khi lấy cung, T. mới bàng hoàng khi biết, nhát dao oan nghiệt ấy của mình đã cướp đi mạng sống của người thanh niên nọ. T. kể, khi biết tin ấy, chân tay T. rụng rời và bao nhiêu hơi bia, hơi rượu không biết đã bay đi đâu hết. Với tội tày đình ấy, T. đã bị tuyên án tử hình ở cả hai phiên sơ, phúc thẩm.

Cùng thụ án với T. ở trại giam này còn có Lê Trọng K., sinh năm 1976, ở Tiểu khu 13, thị trấn Mộc Châu, Sơn La. Cũng như T., K.có khuôn mặt hiền lành, thư sinh và tính tình thì hơi nhút nhát. K. kể, nơi K. sinh ra, mấy năm nay đang bị cơn lốc ma tuý nghiền nát.

Sống trong môi trường ấy, từ một cựu chiến binh năng nổ, cần cù, K. đã bị đồng tiền là cho mờ mắt. Không giữ nổi mình, K. tính làm giàu bằng nghề vận chuyển ma tuý. Thế nhưng, ngay chuyến chuyển hàng đầu tiên, K. đã bị bắt. Với tang vật là 1 bánh heroin, K. đã bị Toà án nhân dân tỉnh Sơn La tuyên án tử hình.

T. bảo, cả đời này, chắc chắn T. chẳng thể nào quên hơn 1 năm kinh hoàng sống ở Hoả Lò . Nơi ấy, T. bị cùm suốt ngày đêm. Nơi mà T. được biệt giam cũng có nhiều người sống chung cảnh ngộ. Ngày mới vào, chẳng có thời gian lẫn tâm trí để đếm nhưng ít lâu sau, đêm buồn nói chuyện, T. biết mình có cả thảy gần 20 “người bạn tri âm”.

T. bảo, biết chắc mình sẽ chết đã sợ hãi lắm rồi nhưng không biết cái chết sẽ đến với mình vào lúc nào còn kinh hoàng hơn. Tâm trạng thấp thỏm, lo âu khiến T. và mọi người như muốn phát điên. Sợ nhất là những đêm buồng giam bị mất điện.

Trong cảnh tối tăm ấy, mọi người đã hình dung và kể cho nhau nghe bao chuyện hãi hùng. Và, tất cả những câu chuyện ấy đều dẫn đến một “kết luận” cuối cùng: Không phải mất điện tự nhiên mà do người ta cố tình cắt điện. Chắc chắn đêm nay có nhiều người “đi” nên họ mới… làm như thế!

 Sau hai phiên sơ, phúc thẩm, khoác lên mình bản án tử hình, Lê Trọng K. được chuyển về giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La (Trại Cao Pha). K. kể, thời gian đầu về trại, K.đã vô cùng chán nản và sống như người chẳng còn gì để mất.

“Cậy” mình là… tử tội, K. chửi bới, gây gổ với tất cả những người mà mình cho là… ngứa mắt. Ban ngày, hễ không bằng lòng với bất cứ việc gì, hay những “yêu sách” của mình đưa ra mà chưa được kịp thời đáp ứng là ngay lập tức K. đập xiềng loạn xạ rồi luôn mồm gào thét hệt như con thú dính thương nằm trong cạm bẫy.

Sự chống đối, bất hợp tác ấy được thể hiện ngay trong việc K. cự tuyệt… quyền lợi cuối cùng của mình, ấy là viết đơn xin ân xá của Chủ tịch nước. Khi ấy, K. nghĩ, có viết cũng vậy bởi với mình, tội chết đã rành rành.

Trở về từ địa ngục

Hơn năm rưỡi ở trại Cao Pha, K. đã đã 7 lần được tận mắt chứng kiến các tử tù buồng bên cạch bị đưa đi thi hành án. Mỗi lần “vẫy tay chào nhau” ấy là một lần K. hình dung cái ngày tồi tệ nhất sẽ đến với mình.

Chuyện những tội nhân từng gõ cửa  ngôi đền thần chết: Bài 3: Xác chết trở lại
Lê Trọng K. kể lại khoảnh khắc thoát án tử.

Và, bởi dự tính điều không ai muốn ấy sẽ đến với mình nên mỗi lần người nhà đến thăm là K. lại khóc nấc lên và nói những lời âm dương cách biệt. Tận mắt nhìn thấy “chiến hữu” đi… chết, quá sợ hãi nên K. đã cuống cuồng xin được thực hiện nốt cái quyền cuối cùng mà trước đây bởi bất cần K. đã thẳng tay chối bỏ: Viết đơn xin tha tội chết.

Không chỉ viết một mà trong thời gian ở trại ấy, K. đã xin viết tới 7 lá liền. Mỗi lá đơn đi là một lần Kỳ sống trong hi vọng, dù hi vọng ấy là vô cùng nhỏ nhoi như đốm lửa giữa đêm tối mịt mùng. Những lúc ấp ôm hi vọng ấy, K. trở nên hiền lành và rất dễ bảo. Thế nhưng, đơn đi, đợi mãi mà chẳng thấy hồi âm, K. lại thấy đời mình bế tắc và lại tiếp tục phát khùng, lại tiếp tục những hành động quậy phá.

Một sáng cuối tháng 7/2001, với K., đó là thời khắc không thể quên được trong đời. Sáng ấy, vừa định chợp mắt sau một đêm dài thức canh… thần chết, K. bỗng giật nảy mình khi từ xa có tiếng cán bộ quản giáo gọi tên mình. “K. ơi! Mổ trâu ăn mừng đi nhé!”.

Nghe tiếng “mổ trâu ăn mừng”, người K. đã run bắn lên bởi vui sướng. Ở nơi ngục tù, luôn phải gồng mình để đối diện với cái chết này thì có điều gì đáng vui mừng mà phải mổ trâu? “Quyết định ân xá!?”. Nghĩ vậy, K. bật dậy, cố nhoài người ra phía cửa mặc kệ đôi chân đang bị cùm sắt xiết đau điếng.

Đúng như dự đoán, điều mà K. mong mỏi bấy lâu đã thành sự thật. Kỳ đã nuốt trọn từng từ khi nghe cán bộ quản giáo đọc quyết định tái sinh đời mình ấy. Và, bởi quá vui sướng, Kỳ không tài nào đứng vững nổi trên đôi chân của mình. Ngồi bệt xuống tấm bê tông lạnh ngắt, K. run run chìa tay đón nhận tờ quyết định từ tay người quản giáo.

Và, để K. được hưởng trọn vẹn niềm vui trong ngày “thoát chết”, các cán bộ quản giáo đã ưu ái khi quyết định cho K. được thực hiện một “nghi lễ” đặc biệt: Tự tay K.  tháo bỏ tấm biển có ghi hai chữ “Tử hình” ở trước buồng giam của mình.

Nhớ lại thời khắc tái sinh của mình, Đào Minh T. kể, sau phiên phúc thẩm T. nghĩ, đời mình như thế là hết, chẳng có cách nào có thể cứu vãn. Bởi thế, khi cán bộ quản giáo bảo T. viết đơn xin ân xá, T. làm cho… xong việc. Bởi chẳng hi vọng gì nên T. cũng không đón đợi, trông mong hồi âm từ lá đơn mình gửi. Thêm nữa, ngày ấy, ở Hoả Lò chỉ vỏn vẹn hơn 1 năm trời, thế nhưng tận thấy 15 sinh mạng bị áp giải đưa ra trường, T. đã thấy hồn mình chai sạn.

Chuyện những tội nhân từng gõ cửa  ngôi đền thần chết: Bài 3: Xác chết trở lại
Quang cảnh Phân trại số 2, trại giam Tân Lập​

Ngày 10/3/2006, theo lịch, là ngày T. được gặp gia đình. Với những tử tù, thì đó là ngày được vô cùng mong đợi. Không biết cái chết ập đến với mình vào lúc nào, nên những cuộc gặp ấy, qua điện thoại của buồng kính, nói chuyện họ dành phần nhiều thời gian vào việc dặn dò người thân khi mình không còn nữa. Thế nhưng, sáng ấy, chờ mãi mà chẳng thấy ai đến thăm, tủi thân, T. đã nghĩ mông lung: “Chắc vợ con đã quá mệt mỏi với mình!?”. Ý nghĩ ấy làm T. khó chịu, chán chường.

Đầu giờ chiều, vẫn cái sự tủi thân, chán nản ấy làm T. khó ngủ. Đang ngồi bó gối nghĩ vẩn vơ thì T. bị “đánh thức” bởi giọng nói quen thuộc của người quản giáo: “Phạm nhân Đào Minh T., sắp xếp quần áo đi! Chuyển rồi!”. Câu nói ấy làm T. thần người bởi không hiểu chuyện gì đang đến với mình.

“Chuyển là chuyển đi đâu? Không lẽ mình bị thi hành án giữa ban ngày?”. Tuy vậy, đắn đo trong giây lát, T. vẫn ngoan ngoãn gói ghém tư trang của mình. Và, bởi suy nghĩ mình sẽ bị đem đi bắn nên lúc này T. mới thực sự thấy vô cùng… sợ chết.

Hai hàm răng va vào nhau lập cập, mấy món đồ nhét mãi vào túi mà cứ liên tục rơi ra đất. Chưa kịp hoàn tất phần việc ấy thì sự sợ hãi trong T. lại tăng thêm gấp bội và cảm thấy nghẹt thở khi một cán bộ khác dập cửa phòng mình. “Có quyết định ân xá rồi! Chúc mừng anh!”.

Niềm vui ấy đến quá bất ngờ, khiến T. không dám tin vào những điều mình nghe thấy nữa. “Chúc mừng anh nhé! Anh chỉnh sửa lại quần áo để nghe quyết định đây!”. Khi người cán bộ quản giáo nhắc lại tin mừng ấy lần thứ hai thì T. mới tin cái điều mình chẳng dám mong đợi ngay cả trong giấc mơ chập chờn ấy hoàn toàn là sự thật. T. ôm mặt khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc trong đời.

Trở lại câu chuyện của tội nhân Nguyễn Xuân T. ở trại giam Hoàng Tiến. Hôm biết tin Chủ tịch nước đã tha tội chết cho mình, toàn thân T. đã run lên bần bật. Trong thời khắc được sống lại ấy, T. đã vừa khóc vừa cười. Gần hai năm dòng vật vã trên “chuyến tàu của thần chết”, gần 700 đêm sống trong nỗi khiếp đảm tột cùng, giờ bỗng dưng được sống, được nhìn lại ánh sáng mặt trời nên hắn không thể nào chế ngự được cảm xúc mừng vui.

Tâm sự với tôi, T.  bảo, bây giờ, nếu bắt hắn phải nếm trải lại những tháng ngày khủng khiếp ấy thì hắn thà chọn cái chết cho xong. Tuy nhiên, cái chết mà T. chọn phải là cái chết thật nhanh chứ không phải đợi chờ để từ từ nó đến. 


Xem thêm: Lĩnh án tử hình, Thọ 'sứt' vẫn tranh thủ hôn bạn gái cũ

Phóng sự của Tuệ Linh
Theo Đời sống Plus/GĐVN