Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:16
RSS

Chuyện những tội nhân từng gõ cửa 'ngôi đền thần chết': Bài 1: Sống trong sợ hãi

Chủ nhật, 17/06/2018, 19:51 (GMT+7)

Có lẽ trong đời, chẳng phút giây hoảng loạn nào bằng thời khắc biết chắc cái chết sẽ đến với mình. Và, với những phạm nhân bị tuyên án tử hình, thì quãng thời gian đó thật vô cùng khủng khiếp.

Phạm trọng tội, những phạm nhân này từng bị tuyên phạt mức án cao nhất, án “tựa cột”. Tuy nhiên, trong thời khắc kinh khiếp ấy, qua khe cửa hẹp của số phận, họ may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Bây giờ, án chung thân trên cổ, ngồi nhớ lại những giây phút đen tối và hãi hùng nhất trong cuộc đời mà mình đã trải qua, họ vẫn còn nguyên một nỗi bàng hoàng…

Giang hồ gẫy cánh

Chuyện những tội nhân từng gõ cửa ngôi đền thần chết
Phạm nhân Bùi Bá Bình, một 'giang hồ gẫy cánh​'

Thời giang hồ làm mưa làm gió ở đất cảng Hải Phòng, tuy không danh nổi như cồn như Cu Nên, Lâm Già hay nữ quái Dung Hà nhưng cái tên Bùi Bá B. còn gọi là B. Đ. (sn 1962) cũng là một tay anh chị có máu mặt, có tiếng trong thế giới ngầm. Chỉ cần “phác hoạ” vài chi tiết về kẻ có “tiền án nhiều hơn tiền mặt” này là có thể khẳng định điều đó. Vợ chồng B. có mối quan hệ khá thân thiết với vợ chồng Cu Nên (Phạm Đình Nên, một trùm giang hồ đất Cảng, giết người không gớm tay những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước) và dưới trướng của B. cũng có cả chục “ong chíp” mà tên nào tên ấy cũng “coi tù là nhà lệnh tha là phép”.

Không chỉ có vậy, gặp tôi ở trại giam Hoàng Tiến, B. còn bảo, thủa “hoàng kim”, nữ quái Dung Hà cũng phải nể hắn đôi phần. Sở dĩ có chuyện này là bởi Dung Hà yêu mê mệt Hùng “cốm”, một đàn em thân tín của hắn. Mối tình này giờ vẫn còn lưu truyền như một giai thoại trong giới giang hồ Hải Phòng.

Có chuyện rằng, khi Hùng “cốm” bị bắt và lãnh án tử hình vì tội cướp của giết người, chẳng biết vì tình hay vì muốn “gây tiếng vang” mà Dung “Hà” đã đạo diễn vụ Hùng “cốm” đào tẩu khỏi một trại biệt giam. Theo đó, kế hoạch giải cứu người tình đã được Dung Hà sắp đặt hết sức tỉ mỉ. Một chiếc xe tải thùng được thị bố trí ở ngay sát nơi Hùng “cốm” bị giam. Khi đã có trong tay lựu đạn do Dung “Hà” “nhồi” vào, Hùng “cốm” sẽ khống chế quản giáo vọt ra ngoài lên chiếc xe đã chờ sẵn.

Chiếc xe sẽ đưa Hùng “cốm” ra biển và tại đây, cũng đã có một chiếc xuồng nằm chờ để đưa hắn vượt biên sang Hồng Kông. Thế nhưng, kế hoạch đó đã không thành bởi trái lựu đạn Dung Hà đưa vào đã không phát nổ. Hùng “cốm” bị bắt trở lại. Tuy không cứu nổi người tình nhưng sự kiện đó đã làm tên tuổi Dung Hà nổi như cồn trong giới giang hồ đất Cảng.

Trở lại câu chuyện của Bùi Bá B.. Những năm cuối thập niên 80, dân Hải Phòng rộ lên phong trào vượt biên trái phép. “Làm ăn” ở đất Cảng thấy “khó sống”, hở ra pháp luật “hỏi thăm”, Bình quyết định đưa cả nhà vượt biển. Thế nhưng, cũng như nhiều người ôm giấc mộng đổi đời khác, nơi gia đình B. “xum họp” là trại tị nạn nằm trên đất Hồng Kông.

Sau mấy năm sống dầm dề ở trại này, giấc mơ đến nước thứ ba đổ vỡ, năm 1994, gia đình B. bị trục xuất về Việt Nam Về lại chốn xưa, B.ình vẫn “chung thủy” với “con đường giang hồ” mà mình đã bập vào từ khi chập chững vào đời. Tuy nhiên, cũng thời gian ấy, các băng nhóm cộm cán ở Hải Phòng bị công an “đánh” quyết liệt, kẻ thì phải chịu án dựa cột (Cu Nên), kẻ thì phải gánh án tù đằng đẵng (Lâm già), kẻ thì phải bán xới vào Nam (Dung Hà) nên việc “làm ăn” của B. chẳng thuận buồm xuôi gió.

“Lấy số” để giành ngôi vị bá chủ thế giới giang hồ đất Cảng thì B. không đủ bản lĩnh nên cứ “đắp chiếu” chờ thời. Tuy nhiên, trong lúc “ăn không ngồi rồi” này, B. cũng đã… tranh thủ đi trại mấy lần. Những lần bị bắt đó, B. đã ngộ ra một điều rằng, thời buổi này không có đất cho nghề đao búa. Làm ăn phi pháp thì cũng cần phải có cái đầu, có tiền và có thế lực. Thế nhưng, tất cả những thứ đó B. đều không có.

B. kể, đã mấy lần định rửa tay gác kiếm, thế nhưng, như số mệnh, hắn không thể nào dứt ra được. Và rồi, cuối năm 2007, B. lại bị bắt. Thời gian ấy, B. chuyển hướng làm ăn, sang buôn ma tuý. Và, trong một lần đi giao hàng tại Quảng Ninh, bị đã sa lưới khi mang theo 2 bánh heroin. B. kể, khi chuyển sang “lĩnh vực mới” này, biết nếu bị bắt thì sẽ phải chịu sự chừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, thậm chí phải đối diện với án tử hình. Khi nhúng tay vào tội ác, B. chấp nhận tất cả, thế nhưng hắn bảo, hắn không ngờ khi thực sự đối mặt với cái chết hắn lại sợ hãi đến vậy.

Nơi không dành cho những kẻ… yếu tim

Chuyện những tội nhân từng gõ cửa ngôi đền thần chết
Phạm nhân Trại giam Hoàng Tiến trở về sau một buổi lao động​

Nỗi sợ hãi ập đến với B. ngay sau khi bị bắt. Khi đó, với lượng ma tuý thu được từ trên người, đối chiếu với luật, hắn biết, bản án tử hình đang treo lơ lửng trước mặt mình. Giang hồ vùng vẫy, nhiều lúc yêng hùng nổi lên, B. từng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, thế nhưng, khi ngồi trong trại giam, nghĩ thần chết đang lê từng bước về phía mình, hắn thấy chân tay mình cứ run bần bật.

Bởi biết trước cái chết sẽ đến với mình nên hôm ra toà, B. chẳng dám nhìn vợ con. B. sợ hình ảnh của vợ, của con sẽ ám ảnh mình trong… những ngày còn lại. Đúng như hắn đã dự liệu, đường dây ma tuý của B. có 3 người thì 2 người phải lãnh án dựa cột, trong đó có hắn. B. kể, hôm đó ở toà, từ đầu đến cuối, tim hắn cứ dội thình thịch.

Chân tay bủn rủn như kẻ mấy ngày bị bỏ đói. Trả lời quan toà mà hai miệng hắn khi thì cứng đơ, khi thì lập cập, không thể nào nói cho rõ tiếng tròn vành. Và, khi nghe thấy những lời toà tuyên, B. đã không thể nào đứng vững. Khi trở lại xe tù, giống như những “cộng sự” khác, hắn phải nhờ công an xốc nách.

Sau phiên sơ thẩm, B. được chuyển xuống buồng giam dành cho những tử tù. B. bảo, có lẽ, trong đời, B. không thể nào quên được những ngày tháng ác mộng ở chốn “địa ngục” này. Đến giờ, nghĩ lại, hắn vẫn thấy lạnh sống lưng. Thời gian ấy, ở khu biệt giam của Công an Quảng Ninh có chừng hai chục tử tù với đủ những tội danh khác nhau.

Vừa chân ướt chân ráo vào chốn biệt ly này, B. đã bị thần chết hù doạ. Hắn kể, khi vào “ngôi nhà mới” được mấy ngày, chưa kịp định tâm thì hai tội nhân phạm tội cướp của giết người ở Uông Bí bị đưa đi hành quyết. Đêm ấy, khi công an tới mở cùm, cả khu biệt giam đã sống trong hoảng loạn, sợ hãi đến tột cùng. Kẻ thì gào khóc, kẻ thì hát rống lên như bị tâm thần, kẻ thì cứ rì rầm nói chuyện một mình như bị ma ám.

Từ hôm bị biệt giam, gia nhập đội ngũ những người chuẩn bị về… bên kia thế giới, cuộc sống của B. đã bị đảo lộn. Bình kể, như các tội nhân mang án tử khác, hắn thường ngủ vào ban ngày. Buổi tối nếu mệt thì ngủ tiếp ngay sau bữa cơm chiều. Còn từ sau 22 giờ thì tất cả các tội nhân đều thức.

Việc thi hành án với những phạm nhân mang tội chết thường diễn ra vào lúc 2- 3 giờ sáng. Bởi vậy, họ thức để canh… thần chết. Bình kể, cứ gần “giờ cao điểm” đó thì cả khu biệt giam im phăng phắc, chỉ một tiếng động nhẹ cũng khiến mọi người giật mình, hoảng hốt. Có tiếng động vào giờ đấy là chắc chắn có người sẽ phải “ra đi”, không hãi hùng sao được!

B. phải đối mặt với thần chết quãng thời gian chừng 5 tháng. Phiên phúc thẩm, căn cứ vào lá đơn kháng án của B., xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ khác, toà đã bác án sơ thẩm, tuyên B. án chung thân.

 “Nung chảy” thần kinh thép

Chuyện những tội nhân từng gõ cửa ngôi đền thần chết
Phạm nhân Nguyễn Xuân Thẩm kể lại những ngày kinh hoàng mà mình đã trải qua​

Cùng thi hành án chung thân với B. ở trại giam Hoàng Tiến, phạm nhân Nguyễn Xuân T. (sinh năm 1959, ở Mỹ Hào, Hưng Yên) chỉ còn cách “ngôi đền của thần chết” đúng một bước chân. Cũng phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý, T. bị tuyên án tử hình ở cả hai phiên sơ, phúc thẩm.

Với tội danh tham gia vận chuyển 17 bánh heroin, dù khăng khăng bảo mình bị lợi dụng nhưng tình ngay lý gian, T. biết mình khó tránh được tội chết. Bởi thế, ngay từ khi bị bắt, T. đã lên dây cót tinh thần cho mình để sẵn sàng hành trang đi về bên kia thế giới. Bởi sự chuẩn bị trên, đến phiên phúc thẩm, T. đã không còn sợ hãi nữa.

Y dửng dưng trước phán quyết của toà, y bỏ mặc những tiếng gào khóc đến lạc giọng của người thân và hùng dũng trở về xe tù chẳng cần ai dìu đỡ. Thế nhưng, vẻ cứng rắn đó T. chỉ có thể duy trì ở toà, còn khi trở lại nơi biệt giam, thấy cái chết đã ở rất gần với mình thì hắn bắt đầu… vã mồ hôi hột.

Nỗi sợ hãi mỗi ngày một lớn khi “khu tập thể” (trại tạm giam của Công an tỉnh Hưng Yên) có cả thảy 9 thần dân cứ rơi rụng, thưa vắng dần. T.  kể, chỉ trong thời gian ngắn ở khu biệt giam ấy, đã có 3 tử tù bị đưa đi thi hành án. Cứ sau đêm có người phải ra pháp trường ấy là thế nào T. và “những người ở lại” phải sống trong hoảng loạn cả mấy ngày trời.

Khi được cán bộ trại giam hướng dẫn viết thư xin Chủ tịch nước tha tội chết, T. chẳng tin là mình còn cơ hội sống. Qua hai phiên toà, thấy các cơ quan tố tụng buộc tội mình chắc như đinh đóng cột như vậy thì còn hy vọng gì. Bởi nỗi chán nản ấy mà lúc đầu, hắn định từ chối quyền lợi cuối cùng của đời người ấy. Thế nhưng, trước sự động viên của mọi người, T. đành miễn cưỡng viết cho xong chuyện. Thế nhưng, nào ngờ cái việc làm tưởng như chỉ là thủ tục đó đã giằng T. ra khỏi bàn tay của vị thần cầm lưỡi hái.


Xem thêm: Vì sao tử tù được ăn bữa cơm cuối thịnh soạn theo yêu cầu.

Phóng sự của Tuệ Linh
Theo Đời sống Plus/GĐVN