Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia pháp lý, luật sư quan tâm đến vụ việc khẳng định nội dung giải trình này là vòng vo, né trách nhiệm.
Thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của thành phố?
Các dấu hiệu sai phạm của Sở giao thông TP. HCM, Trung tâm chống ngập thành phố trong quá trình thực hiện xây dựng trạm bơm Bà Tiếng để giải cứu ngập cho khu vực đường Kinh Dương Vương như Đời Sống Plus đã phản ánh trước đó đang được dư luận, chính quyền TP. HCM đặc biệt quan tâm.
Ngày 12/10/2018, Sở Giao thông TP. HCM có văn bản số 11299/ SGTVT-CTN (do ông Nguyễn Văn Tám- Phó Giám đốc sở ký) giải trình với UBND TP. HCM về các nội dung mà báo chí phản ánh.
Người dân tại đường Kinh Dương Vương phải bắc thang mới ra khỏi được nhà do nâng đường nhà dân thành… giếng
Trao đổi với phóng viên về giải trình này, các chuyên gia pháp lý quan tâm, theo dõi vụ việc khẳng định có sự vòng vo, bỏ qua các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư công.
Cụ thể, trong giải trình của Sở Giao thông với UBND TP. HCM đã không giải trình căn cứ, lý do trích lập dự phòng theo quyết định 498/QĐ-SGTVT ngày 05/02/2014 là 146.823 triệu đồng tương đương 20,9% tổng mức đầu tư có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?
Chuyên gia pháp lý cũng khẳng định giải trình của Sở Giao thông cho rằng việc điều chỉnh bổ sung hai gói thầu: Gói thầu xây lắp trạm bơm tại rạch Bà Tiếng và Cải tạo nút giao vòng xoay An Lạc là căn cứ vào Điều 61, Điều 134 Luật Xây dựng 50/2014 và Khoản 1,2 Điều 7 Nghị định 32/2015/NĐ-CP ngày 25/03/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, ngay tại đây đã bộc lộ một số bất hợp lý và không đúng với các quy định của pháp luật.
Bởi lẽ, ngoài việc chấp hành Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn Luật xây dựng thì kể từ ngày 01/01/2015 các dự án sử dụng vốn ngân sách đều phải tuân thủ và phải chấp hành các quy định của Luật đầu tư công.
Tuy nhiên, giải trình của Sở Giao thông với UBND thành phố không đả động gì đến việc chấp hành các quy định theo Luật Đầu tư công. “Điều này cho thấy Sở Giao thông cố tình né tránh trách nhiệm và sự nghiêm túc trong giải trình cơ sở pháp lý khi thay đổi dự án đầu tư công. Chúng tôi khẳng định rằng từ thời điểm 00 giờ ngày 01/01/2015 các dự án sử dụng vốn ngân sách phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Đầu tư công”, chuyên gia pháp lý khẳng định.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Bùi Quang Thu- Đoàn Luật sư Hà Nội (người theo dõi sát sao vụ việc này) phân tích rằng Sở Giao thông TP. HCM có dấu hiệu thực hiện trái chỉ đạo của cấp trên.
Người dân sống bên đường Kinh Dương Vương phải xây tường chắn nước ngập tràn vào nhà
Theo luật sư phân tích thì Thông báo 565/TB-VP của Văn phòng UBND TP.HCM ngày 9/9/2016 truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa chấp thuận đầu tư trạm bơm Bà Tiếng ghi rõ: “Giao Sở Giao thông khẩn trương hướng dẫn Trung tâm chống ngập nước thành phố hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng trạm bơm thoát nước theo đúng quy định hiện hành”.
Như vậy, rõ ràng ở đây chỉ là sự đồng ý về mặt “chủ trương” của UBND TP.HCM và thành phố chỉ giao cho Sở Giao thông hướng dẫn Trung tâm chống ngập “hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng trạm bơm thoát nước theo đúng quy định hiện hành”.
UBND TP. HCM hoàn toàn không giao cho Sở Giao thông phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư vì thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư trạm bơm tại rạch Bà Tiếng thuộc thẩm quyền của HĐND hoặc UBND TP. HCM theo quy định tại khoản 5 Điều 17 và khoản 4, khoản 5 Điều 28 Luật Đầu tư công.
Hơn nữa, theo điều tra của phóng viên thì thông báo 565 ngày 9/9/2016 (thời điểm Luật Đầu tư công đã có hiệu lực pháp luật) không có một từ nào cho phép Sở Giao thông bỏ qua các thủ tục đầu tư dự án (theo quy định Luật Đầu tư công) khi thực hiện đầu tư xây dựng trạm bơm Bà Tiếng.
“Sở GTVT cũng không có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo khoản 1 Điều 60 Luật xây dựng và Luật đầu tư công”, luật sư Thu khẳng định.
Ngập kinh hoàng trên đường Kinh Dương Vương
Như giải trình của Sở Giao thông tại văn bản số 11299 (ông Nguyễn Văn Tám- Phó Giám đốc ký) thì việc phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư, bổ sung thêm 02 gói thầu là căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 61 Luật Xây Dựng. Điều khoản này quy định rõ: Xuất hiện yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án khi đã được chủ đầu tư chứng minh về hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại.
Nhưng thực tế việc UBND thành phố có cho phép đầu tư trạm bơm Bà Tiếng là xuất phát từ yếu tố bất lợi khi triển khai Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương chứ hoàn toàn không xuất hiện yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án như giải trình của Sở Giao thông.
Bởi lẽ, chủ trương đầu tư trạm bơm Bà Tiếng được cho phép sau khi có thông báo 565/TB-VP của Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh. Thông báo này là kết quả của cuộc họp giữa các sở ngành của thành phố, UBND quận Bình Tân… khi có ý kiến phản ánh của người dân sinh sống hai bên đường, UBND quận Bình Tân có các văn bản ý kiến hạ cao độ thiết kế của dự án (thay đổi phương án thiết kế thi công).
“Khi có chủ trương đầu tư trạm bơm Bà Tiếng, Sở Giao thông phải hướng dẫn Trung tâm chống ngập hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng trạm bơm theo đúng quy định hiện hành, tức là tuân thủ đúng Chương II từ Điều 17 đến Điều 38 Luật Đầu tư công; tuân thủ khoản 1 Điều 60 Luật Xây dựng. Tuy nhiên Sở Giao thông lại có văn bản chỉ đạo Trung tâm chống ngập nhập hai dự án vào làm một, sử dụng một loạt các thủ thuật để tiêu hết tiền ngân sách tại dự án đường Kinh Dương Vương là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng cần phải được TP. HCM làm rõ", các luật sư, chuyên gia pháp lý nêu quan điểm khi phân tích vụ việc này.
Phân tích việc giải trình của Sở Giao thông tại văn bản như đã nêu, các luật sư được hỏi đều cho rằng việc sử dụng từ “hạng mục” để đặt tên cho việc đầu tư trạm bơm Bà Tiếng là không phù hợp. Vì khi nói đến hạng mục thì phải nói đến dự án nào, gói thầu nào. Tuy nhiên, việc đầu tư trạm bơm Bà Tiếng không nằm trong bất kỳ gói thầu nào của Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương được phê duyệt trước đó.
“Việc sử dụng từ “hạng mục” là chưa đúng, là cách lách Luật Đầu tư công, do vậy cần phải được thanh kiểm tra để làm rõ”, các luật sư, chuyên gia pháp lý nêu quan điểm.