Dấu hiệu của việc cố ý làm trái
Như đã nói trước đó, để giải cứu ngập cho đường Kinh Dương Vương, TP. HCM đã phê duyệt dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân) với tổng mức đầu tư 730, 552 tỉ đồng. Khi phê duyệt tổng mức đầu tư, các hạng mục công trình, dự toán chi phí không có việc xây dựng trạm bơm Bà Tiếng.
Năm 2016, việc xây dựng trạm bơm Bà Tiếng được UBND TP. HCM chấp thuận, nguồn vốn để thực hiện xây dựng trạm bơm này là v9ốn ngân sách. Đây là phương pháp chống ngập cưỡng bức bằng máy bơm.
Chủ đầu tư là Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố (Trung tâm chống ngập). Đơn vị đóng vai trò quan trọng, phê duyệt về chuyên ngành là Sở GTVT TP. HCM.
Nếu thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công thì việc xây dựng trạm bơm này phải tuân thủ các bước, trình tự lập dự án, phê duyệt dự án… và phải được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua, có kế hoạch bố trí vốn, nguồn vốn…
Nhưng, theo điều tra của phóng viên thì chủ đầu tư dự án, Sở giao thông TP. HCM đã thực hiện một loạt các thao tác để trạm bơm Bà Tiếng thành gói thầu bổ sung vào dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân) với tổng mức đầu tư 730, 552 tỉ đồng.
Tình trạng ngập lụt trên khu vực đường Kinh Dương Vương
Cụ thể, động tác đầu tiên là năm 2017, Sở GTVT TP. HCM (tại QĐ 5306) điều chỉnh dự án (trong đó không thay đổi tổng mức đầu tư) bằng việc bổ sung thêm chi phí thiết bị là 55 tỉ đồng, điều chỉnh tăng chi phí xây dựng lên 77,3 tỉ đồng.
Động tác tiếp theo là việc ngày 9/1/2018 ông Nguyễn Văn Tám- Phó GĐ Sở Giao thông ký QĐ số 175 chính thức đưa trạm bơm Bà Tiếng vào thành hạng mục của dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương. Lúc này trạm bơm được chia thành 02 gói thầu là xây lắp và cung cấp thiết bị, nguồn vốn được trích từ chi phí dự phòng của dự án đường Kinh Dương Vương.
Chúng tôi nhắc lại là dự án đường đường Kinh Dương Vương, với tổng mức đầu tư hơn 730 tỉ đồng được phê duyệt trước đó hoàn toàn không có hạng mục trạm bơm Bà Tiếng.
Tình trạng ngập lụt trên khu vực đường Kinh Dương Vương
Bằng các quyết định trên, lãnh đạo Sở Giao thông TP. HCM đã “hóa giải”, vượt qua các bước lập dự án mới cho trạm bơm Bà Tiếng. Nếu lập dự án mới, theo Luật Đầu tư công thì trạm bơm Bà Tiếng phải thông qua Hội đồng Nhân dân thành phố.
Thanh tra TP. HCM cần phải vào cuộc làm rõ trách nhiệm
Trước vấn đề vì sao Trạm bơm Bà Tiếng không tuân thủ các bước lập dự án, không thông qua HĐND thành phố như quy định chặt chẽ của Luật Đầu tư công? Căn cứ vào đâu để lấy vốn dự phòng dự án đường Kinh Dương Vương vào làm vốn đầu tư trạm bơm Bà Tiếng? Việc ghép hạng mục xây dựng móng Trạm bơm Bà Tiếng với vòng xoay An Lạc có phù hợp?
Ngày 8/10, trả lời phóng viên báo chí, ông Nguyễn Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Giao thông TP. HCM lý giải: “Việc xây dựng trạm bơm và vòng xoay An Lạc tôi thấy phù hợp vì cùng là xây dựng. Gói thầu là 112 tỉ đồng không phải là quá lớn, nhiều doanh nghiệp tại thành phố có thể đáp ứng được”.
Về việc không lập dự án mới cho Trạm bơm Bà Tiếng, ông Tám cho rằng do tính cấp bách của việc xây trạm bơm, nếu lập dự án mới thì phải báo cáo và được HĐND thành phố thông qua. “Qua nhiều bước thì rất lâu”- ông Tám lý giải.
Tình trạng ngập lụt trên khu vực đường Kinh Dương Vương
Phóng viên báo chí cũng đã làm việc với ông Võ Thanh Huy- Giám đốc Ban QLDA kênh Ba Bò (đơn vị được Trung tâm chống ngập thành phố ủy quyền làm chủ đầu tư dự án). Ông Huy thừa nhận là ban đầu Trung tâm định lập dự án mới (dự án trạm bơm Bà Tiếng) như vậy theo quy định phải thông qua HĐND thành phố. Theo lời ông Huy, Sở Giao thông đề nghị đưa vào làm hạng mục phát sinh dự án Kinh Dương Vương. Trung tâm chống ngập tuân thủ sự chỉ đạo này.
Sự chỉ đạo này của Sở Giao thông TP. HCM được thể hiện rõ tại văn bản số 12415/SGTVT-CTN (ngày 13/9/2016, do ông Nguyễn Văn Tám- Phó Giám đốc sở ký). “Đối với việc bổ sung xây dựng trạm bơm, đề nghị Trung tâm… khẩn trương nghiên cứu, bổ sung hạng mục công trình trong dự án trong dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương”- văn bản của Sở Giao thông chỉ đạo.
Tại buổi làm việc, đại diện chủ đầu tư thừa nhận về nguyên tắc vốn dự phòng tại dự án đường Kinh Dương Vương dùng để chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án, nếu không sử dụng, hoặc sử dụng không hết thì trả lại ngân sách.
Tình trạng ngập lụt trên khu vực đường Kinh Dương Vương
Dư luận tại TP. HCM hiện đang cho rằng việc Sở Giao thông, Trung tâm chống ngập gộp phần xây dựng trạm bơm Bà Tiếng và vòng xoay An Lạc thành gói thầu xây lắp 4 (kinh phí cho vòng xoay An Lạc là 40,8 tỉ, kinh phí xây dựng hạng mục trạm bơm là 71,112 tỉ đồng) là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc đầu tư, sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, vòng xoay An Lạc có phần việc do Cty IDICO- IDI thực hiện, nằm trong hợp đồng BOT ký kết giữa Cty IDICO- IDI và Sở Giao thông TP. HCM về việc cải tạo nâng cấp QL 1A đoạn An Sương- An Lạc (dự kiến bàn giao cho Nhà nước vào năm 2033). Việc đầu tư cải tạo vòng xoay này đang được Cty IDICO- IDI tạm dừng..
“Sở Giao thông TP. HCM phê duyệt việc đưa phần việc vòng xoay An Lạc nằm trong hợp đồng BOT do một doanh nghiệp phải thực hiện vào trạm bơm Bà Tiếng, sử dụng vốn ngân sách dự phòng dự án Kinh Dương Vương để chi trả là việc làm tùy tiện. Cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc kiểm tra xem có vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công hay không. Nếu phát hiện có vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm theo luật định”- các luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm khi được hỏi.