Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:44
RSS

Chuyên gia khẳng định: Tamiflu không phải là thần dược trị cúm!

Thứ sáu, 20/12/2019, 16:29 (GMT+7)

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Tamiflu không phải thuốc điều trị đặc hiệu số 1 cho các bệnh cúm, chỉ hỗ trợ vì vậy việc người dân lùng sục mua thuốc Tamiflu như hiện nay là không cần thiết.

Tamiflu không phải 'thần dược' trị cúm
PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ về bệnh cúm và "cơn sốt" thuốc Tamiflu hiện nay.

Tại Hội thảo Truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết hiện nay, thời tiết đang là mùa đông, nhất là đối với miền Bắc, khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm dễ dàng phát triển và lan truyền; cùng với ô nhiễm môi trường tăng cao điều kiện đi lại, giao thương ngày càng gia tăng giữa các khu vực, vùng miền và trên thế giới Vì vậy, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm.

Tại các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh gia tăng số trường hợp cúm nhập viện. Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ tháng 11 đến nay đã tiếp nhận hơn 3.066 người bệnh có triệu chứng cảm cúm. Nhiều ca biến chứng nặng được chỉ định điều trị bằng Tamiflu.

Tuy nhiên theo PGS Khuê, “cơn sốt” lùng mua Tamiflu như hiện nay là không cần thiết. Bởi Tamiflu không phải thuốc điều trị đặc hiệu số 1 cho các bệnh cúm, chỉ hỗ trợ. “Đừng nghĩ Tamiflu không phải là phương cách số một mà phải phòng, đừng để cúm mà chết. Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh cúm mùa nên mọi người hãy đi tiêm”, ông Khuê nói.

Thực tế cúm là bệnh gặp phổ biến trong thời điểm hiện tại, là bệnh lành tính, thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.  Biểu hiện thường là hắt hơi, sổ mũi, ho khan, đau họng, đau mỏi người, nếu không có bội nhiễm và biến chứng bất thường thì bệnh có thể khỏi sau vài ngày.

Tamiflu không phải 'thần dược' trị cúm 2
Theo chuyên gia, Tamiflu không phải thuốc điều trị đặc hiệu số 1 cho các bệnh cúm, chỉ là hỗ trợ.

Đa phần người bệnh mắc cúm ở thể nhẹ, không cần đến bệnh viện. Tuy nhiên ở những người đề kháng yếu như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người có sẵn các bệnh mãn tính... nguy cơ diễn biến nặng cao hơn, cần đặc biệt lưu ý.

Cúm do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng (hạ sốt, giảm ho, hắt hơi...). Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh vì không hề có tác dụng, người lại càng mệt mỏi hơn.

Theo PGS Khuê chia sẻ những cách rất đơn giản để người dân có thể phòng cúm bao gồm:

- Tiêm vắc xin phòng cúm

- Chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là giữ ấm vùng đầu cổ

- Ăn đồ ăn nóng, đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng

- Súc miệng nước muối, rửa mũi bằng nước muối sinh lý

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

- Khi bị cúm, hãy cách ly, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn đồ ăn loãng, dễ tiêu...

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN