Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:05
RSS

Chuyên gia chỉ cha mẹ cách cho trẻ một kỳ nghỉ hè thực thụ

Thứ sáu, 31/05/2019, 07:44 (GMT+7)

Việc cho con học trong kỳ nghỉ hè không thể lấy ý chí chủ quan của người lớn để áp đặt cho trẻ, nhất là những gì trái ngược với sở thích của chúng.

Chuyên gia chỉ cha mẹ cách cho trẻ một kỳ nghỉ hè thực thụ
(Ảnh minh hoạ: internet)

Nghỉ hè cho con học hay chơi, học gì, ở đâu là câu hỏi khiến không ít phụ huynh đau đầu, có khi cha mẹ tranh cãi nảy lửa. Sau mỗi kỳ nghỉ hè, nhiều trẻ bị rối nhiễu tâm lý, là hệ quả của việc bị bố mẹ ép vào những khóa học huấn luyện hè.

Thấy con hay nghịch ngợm, sinh hoạt thất thường, bố mẹ liền đưa đi trại hè quân đội, rèn luyện kỷ luật sắt. Trẻ không thể ngay lập tức thích nghi, và càng phá để chống đối...

Việc cho con học hè không thể lấy ý chí chủ quan của người lớn để áp đặt cho trẻ, nhất là những gì trái ngược với sở thích của chúng. Để lựa chọn hoạt động hè cho con, giúp con có kỳ nghỉ vui, ý nghĩa, phụ huynh cần cân nhắc điều kiện, hoàn cảnh gia đình; biết mình mong con học được điều gì căn cứ vào nhu cầu và khả năng của trẻ.

Chẳng hạn, thấy con giao tiếp kém, khó hòa nhập, bạn muốn bé mạnh dạn hơn thì có thể cho bé tham gia các nhóm học kỹ năng giao tiếp, nhận biết cách phòng tránh các nguy hiểm.

Hay bạn muốn phát triển sự khéo léo, sáng tạo có thể đăng ký cho bé theo các lớp học vẽ, học hát. Nếu bố mẹ muốn trẻ phát triển tình cảm gia đình thì có thể đưa con đi thăm ông bà, họ hàng, hay cho trẻ chứng kiến cuộc sống của người lao động để biết họ phải làm việc vất vả như thế nào?... 

Bạn cần nhớ rằng, hè là một kỳ nghỉ của trẻ sau cả một năm phải học tập, vì thế cần làm sao cho con thoải mái, thư giãn, và được làm theo ý mình một chút.

Trong kỳ nghỉ hẻ, con không phải đi học hàng ngày, bố mẹ có thể hướng dẫn con học và làm việc nhà, vào bếp. Khi hướng dẫn, con tự làm được một bữa cơm đơn giản, bố mẹ nên ghi nhận, khen ngợi trẻ sẽ rất thích. Có thể cho con ngồi cắt dán, làm hoa, làm bất cứ thứ gì bé thích từ các nguyên liệu dễ kiếm ở nhà. 

Nếu bạn sống ở thành phố nhưng có ông bà sống ở thôn quê thì nghỉ hè là dịp thuận lợi để nuôi dưỡng tình cảm của con cháu với ông bà, đông thời con bạn được tiếp cận với quê hương, dòng sông, cánh đồng, bờ tre, giếng nước, ao đình nơi bố mẹ đã sinh ra và lớn lên ở đó.

Đối với trẻ em, những bài học thực tế dễ thấm vào tâm hồn chúng hơn là lý thuyết suông. Nếu bạn muốn con mình biết yêu quý ông bà nội ngoại, không phải chỉ ngồi giảng lý thuyết cho con mà chính bạn phải làm gương cho chúng noi theo.

Bạn dẫn các con về thăm ông bà, họ hàng, biếu một chút quà để thể hiện sự quan tâm. Bạn có thể dẫn con đi dọn cỏ, thắp hương nơi phần mộ của tổ tiên thì sau này các con bạn mới có thói quen đó.

Còn nếu bạn cứ cho con đi du lịch các danh lam thắng cảnh cũng có nhiều bổ ích là mở rộng tầm mắt cho con nhưng nếu không đưa chúng về thăm quê hương, ông bà thì chúng sẽ mất gốc. Những việc đó chỉ có thể làm được trong dịp nghỉ hè.

Sau đó bạn có thể dạy con viết thư cho ông bà, tự tay nó ra bỏ vào hòm thư bưu điện. Đó là những món quà tinh thần vô cùng quý báu với ông bà mà tiền bạc không bao giờ mua được. 

Chúng ta đừng nghĩ rằng muốn có kỹ năng sống phải đi học một lớp kỹ năng là sẽ có. Điều quan trọng hơn là cha mẹ trực tiếp dạy cho con qua những bài học thực tế.

Thí dụ bạn dẫn con đi chơi, không biết đường thì phải hỏi thăm như thế nào. Bạn để cho con tập làm việc đó. Xong rồi biết cám ơn ra sao. Gặp người quen của bố mẹ biết chào hỏi thế nào? Khi người lớn nói chuyện với nhau, trẻ con biết ứng xử như thế nào cho văn minh lịch sự. 

Khách của cha mẹ đến nhà trẻ con biết chào hỏi khách một cách nhiệt tình, tươi tắn, vồn vã ra sao, đó là những bài học thiết thực về kỹ năng sống, cha mẹ có thể dạy con không cần phải qua một lớp kỹ năng nào cả.

Đến nhà ai chỉ cần tiếp xúc với trẻ con một lúc cũng có thể biết ngay đó là con nhà có giáo dục hay không?  Phần lớn những kỹ năng đó đều do bố mẹ dạy cho con. Trái lại nếu những kỹ năng đó có học được ở bất cứ lớp nào nhưng nếu cha mẹ không ôn luyện cho con thì nó cũng như nước đổ lá khoai.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa
Theo Đời sống Plus/GĐVN