Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:10
RSS

Chuyển đổi số, dịch bệnh tác động tới chọn nghề

Thứ hai, 28/12/2020, 09:17 (GMT+7)

Những mối quan tâm được đặt ra rất thực tế: Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến cấu trúc nghề nghiệp xã hội? Thời đại 4.0 với sự chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ cần nhân lực ở những ngành nào?

Học sinh THPT Hải Phòng dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2021.

Sáng  27/12, khoảng 6.000 học sinh (HS) THPT Hải Phòng đã tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại Trường ĐH Hàng hải Việt Nam. Những mối quan tâm được đặt ra rất thực tế: Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến cấu trúc nghề nghiệp xã hội? Thời đại 4.0 với sự chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ cần nhân lực ở những ngành nào?

Tác động của công nghệ số

Tham dự chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp có các chuyên gia đến từ Bộ GDĐT, Tổng cục GDNN (Bộ LĐTBXH), đại diện các khối trường quân đội... nhằm giúp HS khối lớp 11,12 tại Hải Phòng tiếp cận thông tin, hiểu rõ các quy định về kỳ thi tốt nghiệp THPT, quy định về tuyển sinh ĐH,CĐ 2021.

Tại buổi tư vấn này, câu hỏi được nhiều HS đặt ra là trong bối cảnh chuyển đổi số nên chọn ngành học nào phù hợp nhất? Giải đáp câu hỏi này, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: Từ khóa 4.0, chuyển đổi số được nhắc đến nhiều. Nếu như quan tâm đến vấn đề này, HS có thể tham gia học khối ngành toán tin, toán ứng dụng là những ngành cần cho việc chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực chuyển đổi số.

Đây cũng là những ngành được nhiều trường ĐH đào tạo như: ĐH Nông nghiệp, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Hàng hải... Riêng trong khối ngành công nghệ thông tin (CNTT) có những chuyên ngành như khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, an ninh mạng... rất cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số.

PGS Kiên cũng lưu ý chuyển đổi số đang diễn ra ở mọi lĩnh vực xã hội nên không có nghĩa chỉ làm việc ở các cơ sở chuyên về công nghệ thông tin mới cần thiết với mục tiêu chuyển đổi số. Ở mỗi ngành nghề cần phải có hiểu biết kiến thức chuyên ngành, những đòi hỏi mang tính đặc thù của mỗi ngành nghề với mục tiêu chuyển đổi số.

PGS.TS Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam cho rằng nếu như bức tranh hoạt động nghề nghiệp của năm 2020 gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 thì năm 2021 lại liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển dịch vụ logistics, phát triển kinh tế biển... Những mục tiêu phát triển của Chính phủ sẽ là những định hướng quan trọng cho các học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề.

Băn khoăn chọn nghề khi dịch bệnh kéo dài

Trước đó, tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại Nam Định (diễn ra vào ngày 26/12), nhiều HS bày tỏ băn khoăn chọn ngành nghề trước bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Cụ thể là với những ngành nghề liên quan đếnquản trị khách sạn, kinh doanh lữ hành du lịch...

Giải đáp, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các ngành quản trị khách sạn, du lịch. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực này ở một số quốc gia đã phải đóng cửa. Dù vậy cần nhìn nhận lạc quan hơn, vì Covid-19 có thể khiến một số ngành nghề gặp khó khăn, nhưng lại là yếu tố tác động đến việc thay đổi cấu trúc nền kinh tế, phương thức kinh doanh. Hoạt động kinh tế và kinh doanh luôn luôn là lĩnh vực thiết yếu.

Theo PGS Hiền, những chuyển dịch về cấu trúc ngành nghề thay đổi như thế nào lệ thuộc vào cách ta thích ứng với khó khăn trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Đặc biệt là khả năng thích ứng với các tình huống tác động khách quan để có thể nhanh chóng chuyển đổi phương thức làm việc.

Còn TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, cho rằng với bối cảnh hiện nay các ngành kỹ thuật, công nghệ đang được thí sinh quan tâm hơn. Nhưng khi khối ngành kinh tế đang ứng dụng công nghệ 4.0 mạnh mẽ thì vẫn là lĩnh vực có tiềm năng thu hút nhân lực trong tương lai. Dẫu thế, theo ông Tùng, HS cũng đừng quay lưng với các ngành quản trị khách sạn, du lịch. Bởi thời gian tới sẽ có chính sách để khuyến khích các ngành này phát triển, khắc phục thiệt hại từ dịch bệnh. Vì thế nhu cầu nhân lực có thể vẫn nhiều.

Ưu tiên xét tuyển tùy thuộc vào mỗi trường

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2021 diễn ra sáng 27/12, TS Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT) cho biết quy định về tuyển sinh của Bộ GDĐT vẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho thí sinh. Theo đó, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng khác nhau và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng như căn cứ vào phương thức tuyển sinh do các trường công bố. Ông Hùng cũng lưu ý những thí sinh đăng ký vào các ngành thuộc khối đào tạo giáo viên và sức khỏe cần biết quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định.

Nhiều HS quan tâm tới các chính sách tuyển thẳng, cộng điểm đối với HS đoạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia hoặc thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Theo đại diện Bộ GDĐT, các quy định về ưu tiên xét tuyển của Bộ GDĐT vẫn giữ ổn định. Tuy nhiên hiện nay các cơ sở đào tạo có quyền tự chủ trong tuyển sinh nên việc ưu tiên tuyển sinh cụ thể như thế nào còn lệ thuộc vào quy định của mỗi trường.

Ông Hùng cho biết, Bộ GDĐT sẽ ban hành phương án thi 2021- 2025 vào tuần tới.

Dung Hòa
Theo Đại đoàn Kết