Ngày 17/2, tại cuộc làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội ở mức báo động “đỏ”. Thành phố đã cho lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí, dự kiến trong năm nay sẽ lắp thêm khoảng 70 trạm nữa.
Từ các trạm quan trắc này, thành phố sẽ có toàn bộ các thông số liên quan đến không khí, đặc biệt là ở các tuyến đường trọng điểm để xác định nguyên nhân ô nhiễm.
Sau hơn 2 tháng các trạm quan trắc không khí đi vào hoạt động, cho thấy nguồn ô nhiễm không khí Hà Nội hiện nay rất nặng nề, trong đó liên quan đến xả thái của xe máy và ô tô.
“Qua thống kê chúng ta có khoảng 2,5 triệu xe máy quá đát, trước năm 2000. Vấn đề này, thành phố cũng đang xem xét, cố gắng trình HĐND TP chương trình liên quan đến hạn chế xe máy vào kỳ họp tháng 6 tới, sau đó sẽ trình Chính phủ. Ngoài ra, chúng ta phải có biện pháp thu hồi các xe ô tô, xe máy quá đát”, lãnh đạo TP.Hà Nội nói.
Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Chung cho hay, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cơ bản đã hoàn thành, đến tháng 9 tới sẽ đưa vào chạy thử. Còn tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã giải quyết được các vướng mắc liên quan đến thủ tục và hoàn thành trên 30% khối lượng công việc. Đơn vị thi công cam kết đến quý 1/2021 sẽ đưa vào hoạt động.
Xe máy quá cũ vẫn lưu thông nhiều trên đường phố. Ảnh: Sài Gòn Giải phóng.
Theo quy hoạch, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị, hiện mới có 2 tuyến đang được gấp rút thi công. Vừa qua, thành phố đã nhận được đề xuất của 3 tập đoàn lớn mong muốn tham gia xây dựng các tuyến metro. Vấn đề này đã được thành phố báo cáo Chính phủ.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, việc huy động nội lực để thực hiện các dự án giao thông cũng là chủ trương của Chính phủ, vì hiện nay đi vay kinh phí từ bên ngoài không dễ.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội nếu nhà đầu tư nội tham gia phải đảm bảo được an toàn khi thi công. Vấn đề cốt lõi của xây dựng các tuyến metro là đảm bảo nhanh và an toàn.