Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:32
RSS

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đối diện mức án nào?

Thứ tư, 30/03/2022, 09:55 (GMT+7)

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời thực hiện lệnh khám xét, lệnh bắt bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đối diện mức án nào

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty CP tập đoàn FLC bị bắt để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Như báo chí đã đưa tin, ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án khởi tố bị can, đồng thời thực hiện lệnh khám xét, lệnh bắt bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty CP tập đoàn FLC để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự.

Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan. Các Quyết định, Lệnh tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn theo quy định pháp luật

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV VietNamnet, Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam về tội danh thao túng thị trường chứng khoán khá bất ngờ, bởi trước đó ông Quyết đã bị xử phạt hành chính.

Theo luật sư Cường, về nguyên tắc, một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một lần. Nếu hành vi vi phạm mà bị xử phạt hành chính rồi sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp xử lý hình sự thì phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bởi vậy, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vi phạm của ông Quyết là hành vi nào, hành vi này đã từng bị cơ quan chức năng nào xử lý hay chưa. Trong trường hợp, hành vi đã bị xử phạt hành chính, nhưng cơ quan chức năng xác định việc xử phạt hành chính là không đúng, hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính trước khi khởi tố vụ án hình sự.

Luật sư Cường cũng phân tích thêm, Nhà nước quản lý thị trường chứng khoán bằng pháp luật. Những người tham gia thị trường chứng khoán phải tuân thủ các quy định của pháp luật về niêm yết, mua, bán và thực hiện các hoạt động đầu tư khác. Trên thực tế, có những người có tầm ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán, họ nắm giữ nhiều cổ phần và có uy tín, nên việc mua bán của họ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thị trường.

Để tránh trường hợp những người này thao túng thị trường chứng khoán, pháp luật đã có những quy định nhằm quản lý thị trường, tạo sự minh bạch, công bằng, bình đẳng. Hành vi vi phạm pháp luật trong thị trường chứng khoán có thể tác động tiêu cực, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đối diện mức án nào

Lực lượng chức năng đến khám xét trụ sở FLC tại 265 Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Dân Việt

Trong khi đó, chia sẻ trên Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi thao túng giá chứng khoán khiến ông Trịnh Văn Quyết bị bắt được hiểu là những hành vi như thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán.

Đây thực chất là thủ đoạn của một số người (từ hai người trở lên) tham gia giao dịch mua bán chứng khoán đã thống nhất với nhau trong việc mua đi bán lại với nhau nhưng thực chất chỉ là mua bán giả nhằm tạo ra cung cầu giả tạo trên thị trường chứng khoán để trục lợi.

Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán. Người thực hiện hành vi trên phải gây hậu quả nghiêm trọng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Về khung hình phạt đối với ông Trịnh Văn Quyết, theo luật sư Trương Quốc Hòe, tội danh ông Trịnh Văn Quyết vừa bị khởi tố có hai khung hình phạt, trong đó khung cao nhất là 7 năm tù giam. Cụ thể:

Khung một (khoản 1) có mức hình phạt là phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung này được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan.

Khung hai (khoản 2) có mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp các phạm tội như có tổ chức; Thu lợi bất chính lớn; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài việc bị xử phạt một trong các hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng; Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trước đó, như báo Người lao động đưa tin, hồi tháng 11/2017, ông Trịnh Văn Quyết đã bị phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo với cơ quan quản lý thị trường. Đến tháng 1/2022, Chủ tịch FLC tiếp tục bị phát hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin trước đó. Đáng chú ý, chỉ trong một phiên giao dịch, có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh - mức cao chưa từng có trên TTCK.

Những ngày sau đó, khi thông tin được công bố, cổ phiếu FLC và những mã chứng khoán liên quan đã giảm kịch sàn liên tục. Thị trường chung cũng sụt giảm mạnh, gây thua lỗ lớn cho rất nhiều nhà đầu tư. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau đó đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này và đến  ngày 12/1, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua. Ngày 17/1, ông Quyết bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng.

Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết. Theo quyết định này, ông Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 26/3 đến hết ngày 25/4/2022. Cơ quan chức năng cũng mời ông Quyết lên làm việc, để làm rõ liên quan đến một số vấn đề.

Ông Trịnh Văn Quyết, 47 tuổi, quê ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, khởi nghiệp với nghề luật sư khi cùng các cộng sự mở văn phòng luật SMiC năm 2001 và chuyển thành Công ty Luật TNHH SMiC năm 2008. Cùng năm đó, ông Trịnh Văn Quyết lập loạt doanh nghiệp.

Thương hiệu FLC được hình thành đầu năm 2010 dựa trên việc hợp nhất các doanh nghiệp trên. Năm 2019, Bamboo Airways do FLC thành lập gia nhập thị trường hàng không. Sau hơn 10 năm thành lập, vốn điều lệ của FLC đạt 10.500 tỷ đồng vào đầu năm 2021.

Tính đến tháng 1/2022, Chủ tịch FLC sở hữu hơn 215 triệu cổ phiếu FLC (tương đương khoảng 30% vốn) cùng hàng chục triệu cổ phiếu tại các công ty thành viên như ROS, ART, BOS, GAB... Ông từng nằm trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại