Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:27
RSS

Chốt ngày xử giám đốc thẩm vụ container tông Innova trên cao tốc

Thứ ba, 27/11/2018, 10:30 (GMT+7)

Vụ container tông Innova trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên ngày 19/11/2016 đã có lịch xử giám đốc thẩm.

Xe container tông Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên
Đã có lịch xét xử giám đốc thẩm vụ container tông Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Sáng 27/11, trao đổi với PV, Thẩm phán Phạm Văn Hà, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết, cơ quan đã có lịch xử giám đốc thẩm vụ án container tông xe Innova xảy ra trên cao tốc Thái Nguyên – Hà Nội.

Theo đó, phiên giám đốc thẩm sẽ diễn ra vào ngày 30/11, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán, có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện KSND Cấp cao. 

Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng Viện KSND Cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Trước đó, chiều ngày 21/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ký quyết định kháng nghị theo trình tự giám đốc bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên xử vụ container tông xe Innova lùi ngược chiều trên đường cao tốc.

Theo quyết định kháng nghị của TAND Cấp cao tại Hà Nội, tòa án cấp phúc thẩm đã xác định lỗi vi phạm của Lê Ngọc Hoàng là do không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật trên đường và không đảm bảo khoảng cách an toàn.

Tuy nhiên, để có đầy đủ căn cứ pháp lý cũng như khoa học nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan về hành vi vi phạm của tài xế Hoàng thì cần phải làm rõ thêm nhiều vấn đề.

Cần làm rõ điểm va chạm đầu tiên của ôtô đầu kéo và ôtô Innova trên sơ đồ hiện trường, đây là căn cứ quan trọng để xác định khoảng cách giữa 2 xe khi va chạm và khoảng cách khi tài xế Hoàng nhấn phanh nhằm xác định mức độ lỗi của các bên.

Làm rõ thời điểm ôtô đầu kéo mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình thì xe đang ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường, nguyên nhân mất tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình là gì.

Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thì thời gian mất tín hiệu là 52 giây, giả sử thời điểm mất tín hiệu là thời điểm xe ôtô đầu kéo và xe Innova đâm va thì theo phân tích khoa học, khoảng thời gian mất dữ liệu thì tốc độ xe đầu kéo là bao nhiêu?

Cần lấy lại lời khai của tài xế Lê Ngọc Hoàng kết hợp với dấu vết trên sơ đồ hiện trường, bảng dữ liệu về tốc độ để xác định còn cách xe Innova bao nhiêu mét thì tài xế Hoàng rà phanh, định chuyển làn đường? Trước khi quyết định chuyển làn thì tài xế Hoàng có rà phanh, bật xinhan xin đường hay không. Khi tài xế Hoàng nhấn phanh chết thì khoảng cách từ ôtô đầu kéo đến xe Innova là bao nhiêu mét?

Cần làm rõ tốc độ của ôtô đầu kéo, trọng lượng của xe và khối lượng hàng chở trên xe, khi tài xế Hoàng nhấn phanh chết thì xe đầu kéo còn chạy thêm được bao nhiêu mét mới dừng hẳn.

Làm rõ các quy định về ôtô đầu kéo có được phép chở thép hay không, quy định về chằng buộc thép như thế nào khi vận chuyển?

Với hệ thống biển báo đặt trên đường có tác dụng đối với các phương tiện lưu thông như thế nào và cụ thể đối với ôtô đầu kéo do Lê Ngọc Hoàng điều khiển?

Trong kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an thể hiện tại thời điểm va chạm giữa 2 xe thì xe Innova đang hoạt động ở trạng thái chạy lùi.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa làm rõ tốc độ lùi của xe Innova, chưa xác định được khi xe Innova bắt đầu lùi thì xe đang ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường, lùi được bao nhiêu thời gian thì bị đâm, khi bị đâm thì xe Innova đang ở làn đường nào, vị trí của xe so với chiều dài làn đường là thẳng hay chếch?...

Sáng 19/11/2016, Ngô Văn Sơn điều khiển chiếc xe Toyota Innova mang BKS 99A - 142.53 chở theo 10 khách đi từ Bắc Ninh lên TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) để ăn cưới. Khoảng 15h30' cùng ngày, khi vừa đi qua lối ra khỏi đường cao tốc thuộc khu vực nút giao Yên Bình (Tx. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), Sơn đi chậm lại để hỏi đường.

Lúc đó, bị cáo bật xi nhan phải, điều khiển ô tô vào lề đường ngoài cùng bên phải để cháu bé xuống nôn do say xe. Sau đó, Sơn lùi xe trên cao tốc theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để đi ra nút giao Yên Định thì bị chiếc xe đầu kéo mang BKS 89C -079.17 kéo theo rơmoóc mang BKS 89R - 004.65 do Lê Ngọc Hoàng điều khiển tông trúng. Vụ tai nạn khiến 4 người tử vong và 6 người khác bị thương.

Tại phiên sơ thẩm ngày 10/5, TAND TX. Phổ Yên (Thái Nguyên) tuyên phạt bị cáo Sơn 10 năm tù, bị cáo Hoàng là 8 năm tù; bị cáo Ngô Văn Sơn bồi thường số tiền gần 940 triệu đồng và bị cáo Lê Ngọc Hoàng phải bồi thường 469 triệu đồng cho nạn nhân và các gia đình bị hại.

Ngày 2/11, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên phạt Lê Ngọc Hoàng (tên gọi khác là Vũ Văn Hoàng, SN 1985, Thăng Long, Đông Hưng, Thái Bình) mức án 6 năm tù, Ngô Văn Sơn (SN 1978, Trung Nghĩa, Yên Phong, Bắc Ninh) án 9 năm tù.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN