Cuộc sống hôn nhân phải đối mặt với nhiều va chạm và mâu thuẫn, trong đó mâu thuẫn về tiền bạc rất thường gặp. Thậm chí còn khiến tình cảm vợ chồng có nguy cơ rạn nứt. Khi người đàn ông có thu nhập cao hơn, cáng đáng toàn bộ chi tiêu trong nhà thì anh ta thường có xu hướng coi thường vợ.
Người chồng tên Khoa (32 tuổi, Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện của vợ chồng anh liên quan đến vấn đề tiền nong như sau:
“Tôi đi làm xa nhà từ khi con lên 2 tuổi. Khoảng 3 tuần đến 1 tháng tôi mới về thăm vợ con một lần. Lương khá cao từ 30 - 40 triệu nên hàng tháng tôi đưa cho vợ hẳn 15 triệu chi tiêu sinh hoạt. Ở nhà chỉ có vợ, mẹ tôi và đứa con nhỏ, chúng tôi không phải ở trọ và tôi cũng vắng nhà thường xuyên. Số tiền 15 triệu ấy có thể coi là rất dư dả.
Tôi nhẩm tính 15 triệu ấy cộng với lương 7 triệu của cô ấy, mỗi tháng vẫn thừa sức để ra được một khoản. Thế nhưng mỗi khi hỏi đến tiền tiết kiệm thì vợ tôi đều bảo chẳng có xu nào. Điều đó khiến tôi có suy nghĩ vợ chi tiêu hoang phí, không biết căn ke tính toán.
Ảnh minh họa
Dù ngoài mặt tôi không tỏ thái độ gì nhưng trong lòng ít nhiều cũng có sự so sánh vợ với những người phụ nữ đảm đang, chu toàn khác. Để rồi làm ra những hành động và lời nói khinh thường, coi nhẹ khiến vợ phải tổn thương. Đó là sau này nghĩ lại tôi mới nhận ra sai lầm của bản thân chứ khi ấy tôi nào nghĩ được điều gì.
Cho đến một lần về thăm nhà, sáng đó vợ tôi dẫn con ra ngoài công viên chơi. Trong lúc tìm chiếc bấm móng tay, tôi mở ngăn kéo bàn trang điểm của vợ thì tình cờ thấy một cuốn sổ bìa da cỡ bằng bàn tay. Tò mò mở ra xem, tôi mới biết đó là sổ chi tiêu của vợ. Nhìn rõ những khoản tiền mà cô ấy chi, tôi càng sững sờ không thể tin nổi.
Chi dùng mua sắm cho cuộc sống hàng ngày trong gia đình, cô ấy đều ghi lại tỉ mỉ và cặn kẽ, không hề có món nào hoang phí và thừa thãi hết. Sở dĩ cô ấy tiêu hết sạch tiền tôi đưa và cả tiền lương của mình là vì tháng nào cô ấy cũng gửi cho em gái tôi 6 triệu và cho mẹ tôi 1 triệu tiêu vặt.
Còn lại 15 triệu cô ấy tiêu riêng cho bản thân một khoản nhỏ, ngoài ra là tiền bỉm sữa, đồ ăn dặm của con, tiền sinh hoạt hàng tháng của cả gia đình và chi phí cho mẹ tôi khám bệnh, mua thuốc bổ. Thậm chí cả tháng cô ấy còn chẳng mua cho bản thân được một chiếc váy mới nào.
Đợi vợ về tôi mới hỏi tại sao cô ấy lại làm như vậy và còn giấu tôi. Vợ rất ngạc nhiên khi tôi biết chuyện vì bình thường tôi rất hiếm khi động vào đồ đạc riêng tư của cô ấy. Rồi vợ giải thích rằng thấy em chồng khổ sở quá, một nách ôm 3 đứa con, không làm ra tiền nên bị chồng sỉ vả và đay nghiến cả ngày.
Cũng do em tôi nhỡ kế hoạch đẻ quá dày nên mới khổ nhục đến thế.
Ảnh minh họa
Vợ tôi nói sở dĩ giấu chồng vì có lần em gái tôi đến vay tiền mà tôi còn từ chối thẳng thừng và quát nạt em ấy. Cùng là phận phụ nữ với nhau, mối quan hệ chị dâu em chồng cũng không đến nỗi nào nên vợ tôi quyết định mỗi tháng trích ra một khoản coi cho em ấy vay. Sau này có em ấy sẽ trả lại đàng hoàng.
Nghe vợ giải thích xong mà tôi tái mặt ân hận và cũng nể phục, trân trọng vợ hơn rất nhiều. Tôi giận em gái vì khăng khăng lấy gã đàn ông mà cả tôi và mẹ đều không ưa. Cưới về còn dại dột đẻ liền 3 đứa, bây giờ khổ lại kêu than. Dù giận nhưng chúng tôi vẫn là anh em ruột thịt, hành động của vợ khiến tôi rất cảm kích. Cô ấy đã thay chồng giúp đỡ em gái. Tôi chỉ còn biết xin lỗi vợ vì cách cư xử tồi tệ của mình khi trước, may mắn sao vợ tôi thật rộng lượng và bao dung, không để bụng chuyện cũ.
Từ sau đó làm được bao nhiêu tôi đều đưa về cho vợ giữ hết chứ không bớt lại chỉ đưa 15 triệu như trước đây. Vợ tôi tuyệt vời đến thế, hà cớ gì tôi không tin tưởng và yêu thương cô ấy chứ? Cưới được cô ấy làm vợ là may mắn lớn của đời tôi”.
Cuộc sống hôn nhân luôn là vậy, có rất nhiều mâu thuẫn va chạm có thể nảy sinh. Thế nhưng chỉ cần chúng ta đối xử với nhau một cách chân thành thì chắc chắn hạnh phúc sẽ luôn hiện hữu.