Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố trên truyền hình quyết định phong tỏa toàn quốc lần thứ 3. Nguồn: AFP.
1. Nước Pháp được coi là “trái tim của châu Âu” thì hiện thời trái tim đó đang bị tổn thương.
Trong nỗ lực ngăn chặn “làn sóng thứ 3” của dịch covid-19 tối 31/3 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định phong tỏa toàn quốc lần thứ 3. Đây được coi là động thái bất ngờ, khép lại những tranh cãi “đóng” hay “mở” trong nhiều ngày qua.
Tuy nhiên, người ta cho rằng đợt phong tỏa mới này “căng thẳng” hơn lần trước (hồi tháng 11/2020). Lần này việc hạn chế di chuyển đang có hiệu lực từ ngày 18/3 tại 19 tỉnh, sẽ được mở rộng trên toàn bộ lãnh thổ. Từ đêm 3/4 và ít nhất trong 4 tuần, người dân sẽ chỉ được phép đi lại trong bán kính 10 km từ nhà riêng, trừ khi có những lý do đặc biệt.
Trong thông báo trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Macron cho biết sẽ “tăng viện bổ sung” cho bộ phận hồi sức cấp cứu trong bệnh viện, nhằm đối phó với làn sóng bệnh nhân Covid-19 nặng phải chăm sóc đặc biệt. Số giường hồi sức sẽ tăng lên hơn 10.000, so với 7.665 giường hiện nay. Điều này ngay lập tức được Bộ trưởng Y tế Olivier Véran lên tiếng hoan nghênh.
Ông Marcon cũng cho biết, tiêm chủng sẽ được mở cho những người trên 60 tuổi từ ngày 16/4, trong khi những người trên 50 tuổi được tiêm từ ngày 15/5. Còn thì tất cả người Pháp muốn được chủng ngừa Covid-19 sẽ có thể tiêm từ giữa tháng 6.
Với Thủ đô Paris, cũng nằm trong lệnh phong tỏa chung của toàn quốc. “Đây là vấn đề khó khăn với người dân Thủ đô, vì họ đã phải chịu đựng cảnh tù túng quá lâu rồi” - một nữ sinh đại học Sorbone nói. Tuy nhiên, theo Tổng thống Marcon thì nước này “đang đứng trước nguy cơ mất kiểm soát” do sự lây lan nhanh của chủng virus SARS-CoV-2 mới, mà Paris là một tâm điểm. Như vậy, kể từ ngày 1/4, các trường học sẽ đóng cửa trong 3 tuần, bao gồm cả hai tuần của kỳ nghỉ mùa Xuân. Còn thì kể từ đêm 3/4 tới, các quy định về du lịch sẽ được áp dụng trên cả nước, các cửa hàng không thiết yếu sẽ bị buộc phải đóng cửa trong vòng 4 tuần.
Giải thích về việc “chậm trễ” ra lệnh phong tỏa, Tổng thống Pháp cho rằng điều đó đã giúp cho hàng trăm ngàn người được làm việc để có thu nhập. “Nhiều quốc gia láng giềng của Pháp quyết định phong tỏa, như người hàng xóm Đức, vốn đã phong tỏa trong 4 tháng. Hay những người bạn Italy đã tiến hành phong tỏa tới lần thứ 4. Với lựa chọn của mình, chúng ta đã có những tuần quý giá để trẻ em được đến trường, hàng trăm nghìn công nhân được đi làm”- ông Marcon nói.
Tuy nhiên, dẫu đồng ý hay không đồng ý phong tỏa toàn quốc, thì người Pháp cũng đều cho rằng kể từ nay cuộc sống của họ tiếp tục bị bó hẹp và họ sẽ phải cố làm quen với điều đó, dù muốn dù không.
Nhận xét trên tờ Le Figaro cho rằng, việc đóng cửa trường học là biện pháp cuối cùng của nước Phapr để chống dịch Covid-19. “Trường học là niềm tự hào, là giá trị nền tảng của nước Pháp” luôn là câu nói được Chính phủ Pháp nhắc đến trong suốt gần 1 năm qua trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, và cũng cho rằng “đóng cửa các trường học là giải pháp cuối cùng”.
2. Còn tại Thái Lan, Chính phủ nước này đã tính tới việc giảm thời gian cách ly để thúc đẩy du lịch. Cụ thể là kể từ ngày 1/4, Thái Lan bắt đầu thực hiện nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19 đối với người nhập cảnh nhằm thúc đẩy du lịch, rút ngắn thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, đồng thời cho phép người được cách ly tham gia nhiều hoạt động hơn.
Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi ở nước này trong nhiều ngày qua. Nhưng dẫu thế thì quyết định cũng đã được đưa ra. Theo đó, thời gian cách ly 10 ngày được áp dụng đối với cả người Thái Lan và người nước ngoài nhập cảnh, trừ những trường hợp đến từ những nơi mà virus gây bệnh Covid-19 đã biến đổi, gồm 11 nước ở châu Phi là Nam Phi, Zimbabwe, Botswana, Zambia, Kenya, Rwanda, Tanzania, Mozambique, Cameroon, CHDC Congo và Ghana. Trong thời gian này, người nhập cảnh sẽ được xét nghiệm Covid-19 hai lần, lần thứ nhất trong khoảng ngày thứ 3 và ngày thứ 5 và lần thứ hai trong khoảng ngày thứ 9 hoặc thứ 10.
“Nhẹ nhàng” hơn khi người trong diện cách ly có thể rời khỏi phòng của họ trong những giờ nhất định và với một số mục đích, như sử dụng trung tâm thể dục hoặc hồ bơi; tập thể dục ngoài trời hoặc mua thực phẩm và các sản phẩm bên trong các cơ sở cách ly.
Đáng chú ý, các thủ tục giấy tờ cần thiết trước chuyến đi cũng được giảm bớt. Người nước ngoài khi đến Thái Lan sẽ không cần phải trình giấy chứng nhận đủ sức khỏe đi máy bay, tuy rằng vẫn cần có kết quả xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ. Đối với công dân Thái Lan khi nhập cảnh về nước thì chỉ cần một trong hai loại giấy nói trên.
Riêng tại 6 tỉnh trọng điểm về du lịch là Phuket, Krabi, Phang Nga, Surat Thani (Koh Samui), Chon Buri (Pattaya) và Chiang Mai, khách du lịch nước ngoài có giấy chứng nhận tiêm chủng (VC) sẽ được giảm thời gian cách ly xuống chỉ còn 7 ngày. Còn thì kể từ ngày 1/7, hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket sẽ là tỉnh đầu tiên của Thái Lan miễn yêu cầu cách ly đối với du khách nước ngoài đã được tiêm chủng.
Theo kế hoạch mới được Nội các Thái Lan thông qua, quốc gia Đông Nam Á này sẽ dỡ bỏ tất cả những yêu cầu về cách ly đối với du khách nước ngoài từ năm 2022.
Trước khi bùng nổ đại dịch Covid-19, ngành du lịch đóng góp tới 12% GDP của Thái Lan. Theo Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT), nước này đã mất khoảng 1,45 triệu việc làm trong lĩnh vực du lịch vì Covid-19, trong đó có 400.000 việc làm người trong quý đầu tiên của năm 2021. Trước khi bùng nổ đại dịch Covid-19, ngành du lịch của Thái Lan chiếm tới 4,5 triệu việc làm trong lực lượng lao động khoảng 38 triệu người.