Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:03
RSS

Chọn và bảo quản thực phẩm Tết Nguyên đán thế nào cho đúng?

Thứ bảy, 23/01/2021, 06:52 (GMT+7)

Đã thành truyền thống, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, các bà các mẹ lại chuẩn bị rất nhiều loại thực phẩm để dự trữ sử dụng. Tuy nhiên, Tết cũng là dịp dễ xảy ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho các gia đình. Theo đó, cần phải chú ý vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong những ngày Tết.

Theo Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Văn Tiến/Trung tâm giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng, trong dịp Tết, các gia đình cần lưu ý về cách chọn, cách bảo quản của một số loại thực phẩm sau:

Đồ ăn nguội

Đồ ăn nguội trên thị trường rất đa dạng chủng loại như giò, nem, chả, xúc xích, phô mai, giăm bông, thịt hun khói, đồ hộp,…có mùi vị hấp dẫn và tính tiện lợi làm thực phẩm để dành hoặc ăn chơi, không phải chế biến cầu kỳ như thực phẩm tươi sống. Nhưng đồ ăn nguội cần được bảo quản cẩn thận để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Chọn và bảo quản thực phẩm Tết Nguyên đán thế nào cho đúng

Đồ ăn nguội được sử dụng nhiều trong dịp Tết (Ảnh minh hoạ).

Lựa chọn khi mua sản phẩm đang bảo quản lạnh: Tất cả sản phẩm thịt nguội, xúc xích tươi đều được bảo quản lạnh. Khi lựa chọn nhìn vào túi sản phẩm thấy không có hiện tượng đóng đá hoặc kết bang, đấy là những sản phẩm bắt đầu biến chất. Nên chọn những sản phẩm để dưới, nơi có nhiệt độ ổn định sẽ được bảo quản tốt hơn. Thường các nhà chế biến đã cho vào sản phẩm các chất chống o xy hóa để giữ cho thịt có màu hồng tươi. Khi bị để ra ngoài không khí lâu thịt sẽ chuyển màu xám. Vì thế tuyệt đối không nên ăn những loại thịt nguội ướp đã có dấu hiệu chuyển màu.

Cảnh giác chất bảo quản, lượng muối: Đồ nguội được xếp vào nhóm thực phẩm công nghiệp. Về mặt giá trị dinh dưỡng, các thực phẩm công nghiệp hầu hết có giá trị tương đối khá và các chất dinh dưỡng trong thực phẩm đều được bảo tồn trong điều kiện bảo quản đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của nhà sản xuất. Tuy nhiên, do các loại thực phẩm này chế biến dạng nấu chín hoặc muối mặn để diệt trùng, tăng thời gian bảo quản và hạn chế nhiễm khuẩn nên hàm lượng muối và chất bảo quản trong thực phẩm nguội thường cao. Muối và các chất bảo quản là những thành phần có hại cho sức khỏe.

Lưu ý khi mua đồ nguội cần đọc kỹ nhãn hiệu bao bì: hướng dẫn sử dụng, thành phần và giá trị dinh dưỡng, bảo quản,..Lựa chọn hàng mới và còn hạn sử dụng. Lưu ý cách bảo quản của nơi bày bán.

Thực phẩm tươi

Thực phẩm tươi sống bao giờ cũng giàu chất dinh dưỡng, ngon lành và an toàn hơn đồ nguội. Ở nhiệt độ bình thường thực phẩm tươi dễ dàng bị ôi thiu, việc tích trữ thực phẩm đúng cách sẽ không làm mất đi các thành phần dinh dưỡng của thực phẩm. Để đồ ăn tươi ngon, đủ chất dinh dưỡng, khi sử dụng tủ lạnh bạn nên lưu ý sắp xếp thực phẩm theo đúng các ngăn đã được phân chia trong tủ lạnh: đồ đông lạnh xếp vào ngăn đá, rau để ngăn cuối cùng.

Chọn và bảo quản thực phẩm Tết Nguyên đán thế nào cho đúng

Cần lưu ý cách bảo quản thực phẩm tươi trong ngày Tết (Ảnh minh hoạ).

Đối với đồ đông lạnh: thịt, tôm…khi mua về bạn nên để vào ngăn đá, chia thành những phần nhỏ theo lượng ăn mỗi bữa, ăn đến đấy lấy đến đó. Các loại đồ đông lạnh có thể để 14-30 ngày.

Đối với những loại rau quả, khi mua về không cần phải rửa ngay mà lấy giấy bảo quản, gói lại và đặt trong khay đựng rau. Không lấy bao nilon để buộc kín sẽ dẫn tới nước đọng lại làm cho rau quả bị héo, thối. Với rau quả có thể bảo quản trong tủ lạnh 3-4 ngày, tốt nhất rau sử dụng trong ngày để tránh một lượng lớn các vitamin nhất là vitamin C bị hao hụt trong thời gian tích trữ. Với giò khi mua về nên để giò thật nguội, sau đó mới cất trong tủ lạnh. Dù vậy không nên bảo quả giò trong tủ lạnh quá lâu (tốt nhất chỉ bảo quản giò 3-4 ngày).

Cần lưu ý không nên xếp thực phẩm quá đầy trong tủ lạnh, như vậy độ lạnh của tủ sẽ không đảm bảo đến hết các thực phẩm bên trong, sự bảo quản sẽ kém hiệu quả.

Bánh chưng

Để bảo quản bánh trưng được lâu trong dịp Tết chúng ta cần thực hiện như sau: Khi mua bánh trưng về không được cho vào túi nilon mà cần treo lên, nếu trời nồm cho vào ngăn mát của tủ lạnh. Thường thì bánh để được 5 ngày. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh được 15-20 ngày nhưng bánh trưng sẽ bị rắn, lại gạo.

Chọn và bảo quản thực phẩm Tết Nguyên đán thế nào cho đúng

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt. (Ảnh minh hoạ).

Cách chọn bánh chưng: Nếu luộc bánh trưng bang thùng tôn hoa, bánh sẽ có màu xanh rất đẹp, nếu luộc thùng nhôm hay thùng inox bánh có màu lá xanh nâu. Khi mua nên chọn bánh có màu lá xanh nâu vì thùng tôn chứa nhiều tạp chất kim loại, tuy cho bánh màu xanh nhưng không tốt cho sức khỏe. Bánh trưng mốc là do lá, vì vậy lá dùng để gói bánh phải rửa thật sạch, sau đó dựng cho ráo nước, tránh nơi có gió. Khi mua bánh người tiêu dùng nên chọn bánh gói nhiều lá là tốt.

Lưu ý khi gói bánh: Bánh chưng bị mốc thường là mốc từ ngoài vào do nấm mốc có trong không khí. Tốt nhất khi gói bánh phải dùng lá sạch, nên gói chắc tay, nhân bánh phải tươi sạch, khi luộc xong phải rửa bánh ngay khi bánh còn đang nóng lúc này bánh đang nở to, nước lã không vào được. Nếu để nguội mới rửa thì nước lã sẽ vào và gây hỏng bánh.

Mứt Tết

Mứt Tết - một món ăn cổ truyền của Việt Nam: Đây là mặt hàng rất đa dạng nên các cơ quan chức năng cũng rất khó kiểm soát về chủng loại, nguồn gốc, xuất sứ, và chất lượng. Thực tế “mứt ba không” (không nhãn mác nguồn gốc, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng), vẫn len lỏi đi vào thị trường và được bán ở khắp nơi như: Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân, Hàng

Đường, chợ Hà Đông…, cũng như hình thức kinh doanh online. Vẫn còn những cơ sở chế biến mứt thủ công không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc của hàng mứt bàn lẻ trên thị trường online, hay offline.

Chọn và bảo quản thực phẩm Tết Nguyên đán thế nào cho đúng

Mứt Tết là món ăn cổ truyền của người Việt Nam (Ảnh minh hoạ)

Cách chọn mứt Tết: Hiện nay cũng nhiều gia đình đã tự chế biến mứt cổ truyền cho ngày tết, nếu không quá bận rộn. Điều này cần khuyến khích để giữ được hương vị ngày tết và chị em lại thêm được dịp nữ công gia chánh “khéo tay, hay làm”. Hoặc các mẹ nên chọn mứt của Việt Nam nhưng được chế biến bởi các công ty lớn, có thương hiệu, có nhãn mác đầy đủ, có ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Dưới khía cạnh dinh dưỡng: Tốt nhất là nên giảm bớt lượng mứt sử dụng và thay thế bằng cách ăn các loại trái cây tươi trong những ngày tết như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu, táo…có lợi cho sức khỏe. Có thể thay thế mứt tết bằng các loại hạt ngũ cốc hoặc hạt bí, đậu phộng, hạt điều, đậu hòa lan, riêng với hạt dưa thì chú ý vì nếu được nhuộm bằng phẩm màu không tốt cũng có hại cho sức khỏe.

Như vậy, những ngày Tết đến, Xuân về, mỗi người chúng ta và các thành viên trong gia đình vừa có dịp du xuân vui vẻ, vừa mừng tuổi được họ hàng nội ngoại, vừa sum vầy cùng con cháu, vừa thăm thú được bạn bè, thì cần đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết. Để đảm bảo sức khỏe chúng ta cần lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo quản và chế biến hợp vệ sinh giúp cho người tiêu dùng phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết.

Lan Anh
Theo Đại Đoàn Kết