Bà Hoè cho biết căn nhà chỉ có 6m2 nhưng là nơi 4 thế hệ sinh sống
4 thế hệ trong căn nhà 6m2
Khu phố cổ Hà Nội đang ngày càng tấp nập và đông đúc bởi nhiều hoạt động kinh doanh vui chơi được mở rộng. Nhưng đối lập với sự nhộn nhịp ở ngoài đường, nếu đi sâu vào những con ngõ nhỏ, cuộc sống nơi đó như ở một thế giới khác.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Hoè, ở ngõ 24, phố Hàng Điếu chỉ vỏn vẹn 6m2 mà có tới 4 người ở. Bà bảo: "Nhà tôi tuy chật nhưng có 4 thế hệ đang ở đây, tối ngủ chung trên một chiếc giường. Ngay cả chiếc xe đạp của cháu cũng phải cho lên giường đây. Mỗi ngày chỉ lo chờ đợi vệ sinh cá nhân và tắm giặt thôi mà cũng không còn đầu óc đâu để nghĩ đến chuyện khác".
Vậy tại sao không chuyển đi nơi khác, tôi hỏi? Bà trầm ngâm trả lời bằng những câu hỏi như: "Ngõ thì nhỏ, nhà lại có từng ấy diện tích, biết bán cho ai? Bán ai mua? Nếu bán đi nơi khác thì làm gì để sống?
Có lẽ, những suy nghĩ luẩn quẩn ấy, rồi nếp nghĩ kiểu “phố lớn, phố nhỏ” mang tính phân biệt đã làm nhiều người quen cuộc sống “hữu danh vô thực” ở những con ngõ chật hẹp, tối tăm này.
Ngõ nhà bà Hoè rộng chừng hơn 40cm
Bà cũng tâm sự thêm về những hoạt động diễn ra thường ngày vô cùng khó khăn. Mỗi lần muốn mua sắm vật dụng hay chuyển đồ gì đi đều phải tính toán, nghiên cứu chọn lựa xem có thể di chuyển qua ngõ không, nếu không thì phải tháo rời, rất mất thời gian và công sức. Đôi khi mọi người không thể chọn mua được những món đồ mình yêu thích vì chúng quá to, thay vào đó là những đồ có kích thước phù hợp để vận chuyển vào nhà.
Còn bên trong căn nhà, mọi không gian đều được bà tân dụng để đồ đạc. Từ hốc cầu thang, ô cửa nhỏ, duy chỉ có khoảng trống đặt vừa một chiếc chiếu là chỗ ngủ của bà Hoè cùng con cháu.
Sống ở nơi chật hẹp nên cũng không thoát khỏi chuyện bi hài, bà bảo: "Chính vì nhà chật quá mà con trai tôi chán nản, bỏ người vợ đầu rồi lấy vợ hai và chuyển ra ngoài thuê nhà ở”.
Cầu thang lên gác xép trước bà Hoè từng ngủ
Chỉ tay vào những bức ảnh được treo trên nhà, bà Hoè kể, giờ bà đang sống cùng con dâu (vợ đầu của con trai), cháu gái (con vợ đầu) và con của cháu gái là chắt năm nay 6 tuổi. Con trai bà bỏ ra ngoài, vợ chồng ly hôn và đã lấy vợ mới. Bà giải thích thêm, người cháu gái của bà năm nay 30 tuổi, lấy chồng rồi nhưng chồng đi công tác xa, nhà bà gần nơi làm việc nên mang con về đây ở hẳn với bà và mẹ.
Vừa trò chuyện, bà Hoè chỉ tay lên căn hộ phía trên, buồn bã nói: "Năm 1991, nhà này họ bán có 17 triệu nhưng lúc đó tôi không mua được vì tiền chẳng có. Giá như ngày đó mua được chỗ này thì vợ chồng nó đã không đến nỗi phải bỏ nhau".
Mẹ chồng ngủ cùng con dâu mấy chục năm
Bà kể, trước đây, khi con trai lấy vợ đầu bà ngủ trên gác xép ngủ, nói là gác xép nhưng trông nó như cái hang, vừa đủ một người chui vào. Mùa hè bí bách toát mồ hôi hột, lúc nào mỏi người muốn xoay cũng khó. Từ khi con trai bỏ đi lấy vợ mới, bà chuyển xuống tầng 1 ngủ cùng con dâu và cháu chắt.
Những bức ảnh cua bà Hoè cùng cháu và chắt
"Tôi ngủ cùng con dâu suốt mấy chục năm qua, tôi coi nó như con gái. Chẳng biết mọi người như nào nhưng với tôi con nào cũng là con, chẳng bao giờ 2 mẹ con to tiếng với nhau. Lắm lúc thương nó tôi cũng an ủi nếu gặp ai tốt thì đi bước nữa nhưng nó xua tay bảo ở lại chăm lo cho mẹ và chăm sóc con cháu", bà Hoè cười nói.
Vừa bắc ấm nước lên bếp than, bà Hoè chia sẻ, ở đây muốn dùng bếp ga cũng chẳng có chỗ mà đặt. Cũng vì lẽ đó mà mấy chục năm qua bà Hoè chẳng được dùng những vật dụng tiện ích hiện đại như bây giờ.
"Hằng ngày, bước ra khỏi con ngõ tối tăm này, tôi mới tin rằng mình đang sống ở Thủ đô. Chỉ được cái mác sống ở phố cổ thôi chứ gia đình tôi còn thua xa những người ở dưới quê. Giờ chẳng ai còn đun bếp than như này nữa mà họ toàn dùng bếp điện, bếp ga rồi. Sống mãi rồi cũng quen, không thể cứ mãi phàn nàn mà phải học cách chấp nhận", bà Hoè thở dài nói.
Dù tuổi đã cao, nhưng hàng ngà bà Hoè vẫn làm việc để không phụ thuộc vào con cháu. Suốt 40 năm qua hình ảnh bà gắn liền với nồi cháo sườn cả phố này không ai là không biết.
4 thế hệ trong gia đình nằm trên chiếc giường, không gian quá nhỏ chiếc xe đạp cũng được đặt lên
"Trước tôi bán ở đầu phố nhưng giờ cạnh tranh nhiều nên tôi chuyển về đầu ngõ bán cho khách quen. Nồi cháo sườn của tôi cũng lo đủ cho bản thân đấy, còn khoẻ ngày nào tôi vẫn tiếp tục với công việc này", bà Hoè khoe khéo.
Sống trong nhà chật, ngõ nhỏ anh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày chưa phải là đỉnh điểm cho cái sự chật chội, ngột ngạt ở phố cổ. Khổ sở nhất là khi có người cần cấp cứu hay tang ma.
Bà bảo, trước đây có người mất phải phá cầu thang mới đưa được áo quan xuống. Còn bây giờ nếu ốm nặng quá con cháu đưa vào viện rồi lỡ làm sao đưa thẳng ra nhà tang lễ.
"Tôi sống cả đời ở đây rồi, giờ mong muốn lớn nhất của tôi là được nhà nước xem xét cho ra được chỗ ở mới rộng hơn chú để các thế hệ con cháu của tôi đỡ khổ", bà Hoè bày tỏ.
Hàng ngày bà Hoè vẫn phải đun bếp than
Những câu chuyện, lời chia sẻ là nỗi băn khoăn, day dứt và lo lắng của bà Hoè cũng như hàng nghìn người dân đang sống tại các con ngõ nhỏ. Thế nhưng, điều duy nhất mà họ có thể làm là “sống chung với lũ”.
Dẫu vậy, tiềm ẩn trong những con ngõ tối tăm, quanh năm không thấy ánh sáng mặt trời kia vẫn là tính mạng, sự an toàn của biết bao con người… mà chưa biết đến bao giờ mới có thể đổi thay.