Thứ tư, 17/04/2024 | 06:43
RSS

Nàng dâu phố cổ và chuyện cưới 2 tháng vẫn không thể 'động phòng' vì nhà quá chật

Thứ sáu, 11/10/2019, 09:16 (GMT+7)

Cả gia đình sống trong căn nhà vẻn vẹn 3m2, trung bình mỗi người hơn 1 m. Ngày mới về làm dâu, suốt 2 tháng trời đôi vợ chồng trẻ không thể "động phòng" cho đến khi... chuyển ra gầm cầu thang.


Bà Dung kể về cuộc sống của 3 người trong căn nhà 3m2

Ngại 'yêu' vì nhà chật

Phố cổ thường được nhắc đến với vẻ đẹp cổ kính, những mái nhà rêu phong trầm mặc như một đặc trưng di sản của thủ đô được bảo tồn. Tuy nhiên, bên trong đó còn có "đặc sản" về một cuộc sống thiếu thốn, chen chúc, chật hẹp nơi có những căn nhà siêu nhỏ, những con ngõ "bé tẻo teo", tối om, hun hút...

Gần 30 năm sống trong hõm cầu thang tập thể trên phố Hàng Vải, căn nhà vỏn vẹn 3m2 của bà Hoàng Thị Dung (61 tuổi) được xem là một trong những căn nhà chật hẹp nhất khu phố. Căn nhà kỳ dị này còn là nơi ở của chồng và con gái bà Dung. Một gia đình, 3 thành viên, tính ra mỗi người chỉ được 1m2.

Cuộc sống của bà Dung ở ngoài quán nước nhiều hơn ở nhà. Sống trong căn nhà "đặc biệt" này mấy chục năm trời nhưng mỗi lần nhớ đến kỷ niệm những ngày đầu về làm dâu ở đây, bà Dung lại rơi nước mắt. Bà  bảo ngày đó, vợ chồng bà chưa chuyển ra gầm cầu thang mà sống cùng mẹ chồng cùng 4 cặp gia đình trong căn nhà 16m2. 

Không gian chật chội, bà lại là con dâu mới nên có phần xáo trộn gia đình, các cặp vợ chồng khác có phần… dè chừng và ngại ngùng khi chung sống trong không gian chật hẹp này.

"Chiếc giường cưới của tôi vốn là chiếc giường của bố chồng đã mất. Đêm đó vừa lo lại sợ, 2 vợ chồng tôi không tài nào chợp mắt, cả 2 đang thì thào tâm sự, tính 'chuyện yêu' thì mẹ chồng tỉnh giấc. Vậy là kế hoạch đổ bể, tôi thức luôn tới sáng", bà Dung nhớ lại.

Bà bảo, mẹ chồng bà mắc chứng khó ngủ, chỉ cần tiếng động nhỏ giữa đêm cũng làm cụ tỉnh giấc. Trong căn nhà nhỏ, lại đông người nên bà Dung rất ngượng. Bởi vậy, sau khi cưới được vài tháng 2 vợ chồng bà vẫn chưa thể 'động phòng'.

Ngày đó đâu có tân tiến như bây giờ, có thể đến nhà nghỉ hay khách sạn. Vì hoàn cảnh trớ trêu nên hai vợ chồng bà Dung đành phải "nhịn" chuyện yêu dù tuổi trẻ, vợ chồng mới cưới ai chẳng... hừng hực khí thế.

Khoảng vài tháng sau, hai vợ chồng bà Dung dọn sang ở bên gầm cầu thang sát nhà, khi đó được tận dụng làm nhà kho. Lúc đó, thời gian "làm vợ" của bà mới thực sự bắt đầu. 

"Ra ở riêng nhà có 3m2, chật chội, chuyện vợ chồng cũng rất hạn chế. Sau này tôi sinh cháu cả 3 người vẫn ở đấy, chúng tôi chỉ nằm nghiêng không thể nằm thẳng được. Lúc này, chuyện vợ chồng cũng ít hẳn, chúng tôi sợ con bé thấy, chờ nó ngủ thật say mới dám gần gũi, nhưng thi thoảng cũng chỉ đôi lần thôi…", bà Dung chia sẻ.

Gọi là vợ chồng được 'gần gũi" nhau nhưng thực tế cái không gian chật chội nơi gầm cầu thang cũng vô cùng khốn khổ. Mỗi lần vợ chồng "sinh hoạt" lại nơm nớp vội vàng, tranh thủ như đánh trận. Lâu dần, không gian chật chội, bức bách khiến những ham muốn cũng mất dần. 

"Nói chẳng ai tin nhưng vợ chồng tôi chỉ gần gũi được vài năm thôi, sau khi có con thì... 'cai hẳn'. Giờ đi làm, chui rúc trong ngôi nhà chật chội rất khốn khổ, chỉ mong trời nhanh sáng để ra khỏi nhà cho đỡ ngột ngạt. Chỉ vì nhà cửa chật chội quá nên vợ chồng tôi sợ, không dám sinh thêm đứa nữa. Lm dâu phố cổ đâu sung sướng gì?", bà Dung tếu táo.

Mỗi người 1m2, nằm chỉ co quắp

Nhà chật, điều kiện kinh tế khó khăn, giờ cô con gái lớn của ông bà Dung đã học xong đại học, đang đi học việc tại một công ty tư nhân nhưng chẳng bao giờ có bạn đến chơi. Bà chỉ lo không biết vài năm nữa, con bé có người yêu thì đem về nhà ra mắt kiểu gì.

Ngồi nhìn xa xăm, bà Dung kể tiếp, bà là người ở Hưng Yên, lấy chồng là trai phố cổ. Hai ông bà đến với nhau là do mai mối. Ngày bà về đây làm dâu, nhìn căn nhà chật hẹp trong lòng lại buồn tủi. Bà không dám kể cho bố mẹ nghe về cuộc sống làm dâu của mình. 


Những con ngõ sâu hun hút lúc nào cũng phải bật đèn

"Nhìn gầm cầu thang tối om, bẩn thỉu tôi rùng mình, tủi thân chảy nước mắt. Tôi không ngờ lấy chồng Hà Nội lại ở cái chỗ như vậy". bà Dung nói.

Khi sinh con, mẹ của bà Dung ở quê cũng ra chăm cháu và biết được căn nhà bà đang ở là gầm câu thang nhưng cũng chỉ để trong bụng, về nhà không dám nói với ai.

"Lúc đó, ban ngày mẹ tôi chợ búa, giặt giũ, cơm nước cho vợ chồng con gái, đêm đi ngủ nhờ nhà hàng xóm trên cầu thang. Cứ như vậy ròng rã cả tháng trời cho đến khi về quê, mẹ tôi cũng giấu kín chuyện nhà tôi", bà Dung thở dài nói.

Mang tiếng dân phố cổ nhưng mọi sinh hoạt của gia đình bà như người vô gia cư, tắm công cộng, đi vệ sinh cũng công cộng. "Nhà có 3m2 nhỏ xíu, mỗi người được 1m2 chẳng đủ nằm lấy đâu ra chỗ đun nấu. Những hôm trời mưa, chỗ đun nấu công cộng ướt sũng, thế là lại phải ăn gì cho qua bữa", bà Dung kể.

Hiện tại, ban ngày cả nhà bà Dung đều đi làm. Chồng bà chạy xe ôm, còn bà bán nước chè đầu ngõ, con gái đi làm. Buổi tối là lúc đông đúc nhất và cũng là lúc căn nhà trở nên chật chội nhất. "Sáng ngủ dậy mình mẩy đau ê ẩm vì không cựa được, chỉ năm co quắp bất động. Hai vợ chồng tôi già rồi không sao nhưng thương con gái nó đang tuổi lớn mà sinh hoạt trong căn nhà như vậy rất khổ sở", bà Dung thở dài...

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN