Thứ năm, 28/03/2024 | 17:39
RSS

Chân dung 'cậu sửa xe' GS Hồ Ngọc Đại tự hào hơn Ngô Bảo Châu

Thứ sáu, 14/09/2018, 14:52 (GMT+7)

Người học trò khiến GS Hồ Ngọc Đại tự hào nhất là một cậu học trò làm nghề sửa xe vì thích vặn ốc.

Câu chuyện thú vị về cậu sửa xe mà GS Hồ Ngọc Đại tự hào

Những ngày qua, câu chuyện xung quanh chương trình tiếng Việt lớp 1 - công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã khiến  dư luận bàn tàn nhiệt tình và xôn xao.

Đặc biệt, khi GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ trên Trí thức trẻ rằng: “Ngô Bảo Châu có lẽ là một trong những học trò nổi tiếng và thành đạt nhất của trường Thực nghiệm. Khi Ngô Bảo Châu đạt giải Fields, báo chí viết về cậu ấy, người người ca ngợi cậu ấy.

Là thầy, tôi cũng rất tự hào. Nhưng Ngô Bảo Châu không phải là học sinh khiến tôi tự hào nhất, ưng ý nhất. Niềm tự hào lớn nhất của tôi là một cậu học trò giờ làm nghề sửa xe!”, thì có rất nhiều người cảm thấy tò mò về danh tính của cậu học trò “đặc biệt” này.

Không chỉ thế, GS Hồ Ngọc Đại  còn kể người học trò của mình với lời lẽ đơn giản như sau: “Cậu học trò tôi kể có một niềm đam mê kỳ lạ với máy móc và đặc biệt thích sửa xe. Cậu ấy đi du học, có hai bằng đại học ở nước ngoài. Nhưng đến khi về nước, cậu ấy không làm việc văn phòng máy lạnh, mà mở một quán sửa xe. Cậu ấy nói với con trai tôi - cũng là bạn học của cậu ấy: “Tao bây giờ hạnh phúc lắm vì ngày nào cũng được vặn ốc”…” .

Câu chuyện thú vị về cậu sửa xe mà GS Hồ Ngọc Đại tự hào2

Ngay sau đó, rất nhanh chóng, hội cựu học sinh Thực Nghiệm đã tìm ra nhân vật chính của câu chuyện, đó là "cậu học trò" Nguyễn Hồng Vinh. Qua lời kể của bạn bè, anh Hồng Vinh hiện lên là một cậu học sinh rất hiếu động “nghịch nhất trong lớp, nghịch nhất của khóa, nghịch nhất trường Thực nghiệm” với nick name là Bon”.

Nguyễn Hồng Vinh có niềm đam mê lớn với xe cộ. Năm 18 tuổi khi sang Moscow du học, mẹ của Nguyễn Hồng Vinh - lúc đó đang buôn bán ở Liên Xô đã mua cho anh một chiếc ô tô. Ngay từ hồi đó, để có thể tự sửa xe, anh phải mua một cuốn sách dạy sửa xe rồi tự lôi cả xe của mình lẫn xe của bạn bè ra mày mò, nghiên cứu, hết tháo ra lại lắp vào. Trở thành kẻ "phá hoại" không ít lần, rồi cuối cùng Nguyễn Hồng Vinh cũng trở thành thợ sửa xe giỏi.

Năm 2007, khi anh về nước với hai bằng Kinh tế và Tiếng Anh thương mại, mẹ anh đã tìm mọi cách nhờ vả để xin cho con một công việc ngon lành trong cơ quan nhà nước. Thế nhưng ngay sau ngày làm việc đầu tiên anh đã bỏ việc bởi nhận thấy đấy không phải là nơi dành cho mình.

Câu chuyện thú vị về cậu sửa xe mà GS Hồ Ngọc Đại tự hào

Sau khi bỏ việc, anh Vinh lập ra nhóm đua xe địa hình đầu tiên ở Việt Nam và mở luôn một gara chuyên sửa xe, độ xe cho chính anh và dân đua xe địa hình Việt đời đầu. Và cho tới hiện tại, anh đã trở thành cái tên nổi tiếng và được cả giới đua trong nước ngưỡng mộ.

Năm 2010 , Nguyễn Hồng Vinh trở thành người Việt đầu tiên tham dự giải đua xe offroad thế giới ở Malaysia. Người ta đi thi thì phải tìm cách đánh bại đối thủ và chiến thắng nhưng với anh Vinh thì khác.

Trên đường đua, thấy đối thủ của mình bị hỏng xe, máu nghề nghiệp và “niềm đam mê vặn ốc” trỗi dậy anh đã quên hết và lao vào sửa xe cho chính đối thủ của mình. Cuối cùng, đối thủ của anh là những người thắng cuộc, còn anh về bét bảng.

Câu chuyện thú vị về cậu sửa xe mà GS Hồ Ngọc Đại tự hào4

Nguyễn Hồng Vinh không có bằng cấp gì về kỹ thuật, cơ khí, nhưng anh rất nổi tiếng và có uy tín trong cộng đồng chơi xe Việt Nam. Trên các diễn đàn xe cộ, anh “thợ sửa xe” được bạn bè đặt cho biệt danh yêu mến là Gaz69. Anh đồng thời cũng là tay đua số 1 ở Việt Nam.

“Ngay từ lúc 6 tuổi, bố mẹ đã chọn cho tôi “chiếc xe Thực nghiệm”. Và chúng tôi, những người đã từng ngồi trên chuyến xe ấy luôn kính trọng những người thầy.

Nếu bây giờ trò team building mới thịnh hành trong các trường công lập thì từ mấy chục năm trước, chúng tôi đã từng có rất nhiều hoạt động nhóm cùng nhau. Ngay từ bé, thầy và trò chúng tôi đã cùng nhau đá bóng bùm bụp sau mỗi giờ học. Tôi rất nghịch nhưng không bao giờ bỏ học bởi đi học vui quá”, anh Vinh chia sẻ trên Dân trí về những ngày tháng học trong ngội trường Thực nghiệm của mình.

T.N (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN