Các bác sĩ trong ca phẫu thuật lấy thai cho sản phụ. Ảnh: Vietnamnet
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị này vừa phẫu thuật thành công cho một sản phụ chửa kẽ vòi tử cung góc trái. Theo đó, sản phụ là chị P.T.C., bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức vùng bụng, chậm kinh 20 ngày.
Tại bệnh viện, qua thăm khám và siêu âm đầu dò âm đạo, các bác sĩ phát hiện chị C. có khối thai tương đương 6 tuần 2 ngày, tăng sinh nhiều mạch máu trên siêu âm Doppler. Tuy nhiên, khối thai không nằm trong tử cung mà nằm ở đoạn kẽ vòi tử cung trái, là phần vòi trứng còn nằm trong lớp cơ của tử cung.
Ngay lập tức, sản phụ được chỉ định làm xét nghiệm, chẩn đoán chửa kẽ vòi tử cung trái. Các bác sĩ cho biết, nếu không được mổ kịp thời, đoạn kẽ sẽ vỡ và chảy máu ồ ạt trong bụng, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi, xẻ góc trái tử cung, lấy khối chửa và khâu cầm máu, bảo tồn tử cung cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, hiện bệnh nhân tiếp tục được điều trị, theo dõi tại Khoa Sản Nhiễm khuẩn. Các bác sĩ cho biết, sau khi hồi phục, người bệnh có thể mang thai tự nhiên và sinh con bình thường.
Trao đổi với Vietnamnet, TS.BS Trần Quốc Tuấn - Phó trưởng khoa Sản Nhiễm khuẩn cho biết, chửa ngoài tử cung (hay thai lạc chỗ) là khi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển ở một vị trí khác ngoài buồng tử cung.
Theo bác sĩ Tuấn, trong số các ca chửa ngoài tử cung, có hơn 95% trường hợp xảy ra ở ống dẫn trứng (loa vòi, đoạn bóng, đoạn eo) và 5% trường hợp xảy ra ở các vị trí khác như buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung hoặc sẹo mổ trước đó. Tỉ lệ mắc chửa kẽ tử cung rất thấp, trung bình khoảng 200.000 phụ nữ mang thai mới có 1 người mắc.
Tình trạng viêm nhiễm phụ khoa là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chửa kẽ tử cung, việc thụ thai xảy ra ở vị trí bất thường. Ngoài ra,còn một số nguyên nhân khác như sản phụ có tiền sử phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng bụng chậu trước đó; sản phụ lớn tuổi; sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản...