Thứ sáu, 26/04/2024 | 09:47
RSS

Câu chuyện “Con thật bất hạnh vì là con của mẹ” và bài học giáo dục con đúng cách

Thứ tư, 27/10/2021, 15:15 (GMT+7)

Giáo dục con đúng cách có thể giúp con trở thành người thành đạt trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cha mẹ đã, đang không tìm được phương pháp giáo dục phù hợp khiến cuộc sống rơi vào bất hạnh.

Câu chuyện “Con thật bất hạnh vì là con của mẹ” và bài học giáo dục con dúng cách

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trên trang facebook cá nhân của mình, Chuyên gia giáo dục Tiến sỹ Vũ Thu Hương chia sẻ câu chuyện của một người mẹ rơi vào hoàn cảnh không may mắn, đã từng giáo dục con gái không đúng cách khiến cuộc sống gia đình gặp bất hạnh.

Theo TS Thu Hương, bài viết này là nguyện vọng của người mẹ ấy, chị muốn đưa lên để báo động các cha mẹ từ câu chuyện đau đến rỉ máu của chính mẹ ấy. Qua câu chuyện, tiến sỹ giáo dục hi vọng các bố mẹ có thể rút ra cho mình bài học sâu sắc về phương pháp giáo dục con cái. Đồng thời, hi vọng hiểu được thành ý hết sức dũng cảm của 1 người mẹ trong câu chuyện này. 

Cụ thể câu chuyện được Chuyên gia giáo dục viết lại trên trang cá nhân như sau: 

CON THẬT BẤT HẠNH VÌ LÀ CON MẸ

Con em là 1 em bé thiên thần, da trắng, môi đỏ, mắt to đùng. Đặc biệt, lông mi nó rất dài, rất dài luôn ấy chị ạ. Ngồi ngắm con lúc mới sinh, em nguyện làm tất cả để con em được sung sướng. Nó đẹp thế kia, nó hoàn toàn có quyền. 

Nhà em được cái khá giả. Dù trong thành phố nhưng con em ở nhà vườn, có xe đưa rước. Thời con em mới ra đời, điện thoại còn "ngu" lắm, chẳng thông minh đâu nên em cũng không có ý định mua cho nó. 

Con em không nghiện tivi vì thú thực với chị, nó có cả 1 phòng chơi xịn như khu vui chơi kidcity. Cho con vào đó ăn thì lúc nào chả xúc nhanh. Nói chung, nó chẳng nghiện tivi. Cũng may vì thế, nó nói nhanh, đi nhanh, và cực kì láu lỉnh. 

Khỏi phải nói con bé được chiều chuộng đến thế nào. Nó chẳng cần khóc đâu, chỉ cần đưa mắt thôi, lập tức có người giúp việc chạy ra đáp ứng yêu cầu của nó. Em đặc biệt sợ những gì có thể gây tai nạn cho con em nên mọi thứ đồ đạc của nó đều được thiết kế riêng để đảm bảo an toàn. Đã có đến 5 người giúp việc bị đuổi vì tội làm con em khóc. Nói chung với em, để con khóc là 1 tội nặng.

Rồi con em đi học, dĩ nhiên, nó học trường quốc tế Con bé là đứa láu lỉnh và đanh đá, thế nên, nó gây sự với hết bạn bè. Nó đánh bạn, trêu bạn, giật đồ của bạn. Khi cô giáo mách, em lồng lên. Ai dám động vào con em, Nó còn nhỏ mà, nó chỉ đùa thôi. Nói chung, công chúa của em, đừng có ai gây gì nhé.

Hic, cuối cùng thì em cũng phải gặp hiệu trưởng vì con gái đánh bạn quá nhiều. Sau một hồi nghe trường thuyết phục, em cũng đồng ý để yên cho cả lũ trẻ trong lớp tảy chay con em vì nó đánh bạn quá nhiều. Sau đợt bị tẩy chay đó, con em cũng bớt đánh bạn hơn và nó đã học kha khá ổn.

Từ nhỏ đến lớn, con em cũng hay đổ lỗi cho bạn nếu gây ra trò gì. Khi cô giáo kể, em chỉ nghĩ con em sợ quá mà nói đại. Vì thế, em không thấy đấy là vấn đề lớn.

Nó cũng thích đồ của ai là cứ thế lấy. Em thì nghĩ chắc vì nó thiếu đồ, nó cần. Thế nên, em đi đền cho người ta hết lần này đến lần khác. Nó lấy trộm tiền trong két của em thì em cũng nghĩ vì nó cần nên cũng chẳng mắng mỏ dù em cho nó khá nhiều tiền.

Nói của đáng tội, lần nào em cũng giảng giải cho nó là con không được làm thế. Nó cũng gật gù đấy nhưng rồi đâu lại đóng đó. Em cũng nghĩ chuyện nhỏ nên bỏ qua.

Hôm ấy, con em tức bạn thế nào mà đánh con nhà người ta phải nhập viện. Em chạy đôn đáo đền tiền cho người ta, lo mọi việc trong viện rồi đi xin xỏ đón con từ đồn công an về. Thấy nó mệt, em cũng không trách mà chỉ bảo: lần sau con đừng đánh bạn nữa, kẻo công an lại bắt mẹ không đến đón nữa đâu. Có thế thôi mà con em giận mẹ cả tháng không nói chuyện.

18 tuổi, con em vẫn chưa tốt nghiệp được vì nợ môn thi. Em cũng khá sốt ruột vì em muốn cho con đi du học như nó muốn. Vì năm nào em cũng cho đi nước ngoài, nên nó cũng thích thú với thế giới bên ngoài lắm.

Chưa xong tốt nghiệp, con em vướng phải vụ buôn bán thuốc lắc. Vụ này thì em thật sự sốc. Con cần gì em cũng cho, nó đâu có cần tiền mà phải buôn bán. Ngồi sau song sắt, con em khóc rất nhiều. Nó ở trong đó có vài hôm mà rộc cả người đi, xanh và rất gày. Em thương con định chạy tiền cho nó tại ngoại nhưng nó ngăn lại. Nó đuổi bố nó ra để nói chuyện riêng với mẹ. Câu nói mà nó nói đã làm em chết đứng:

CON THẬT BẤT HẠNH VÌ LÀ CON MẸ

Tại sao mẹ lại luôn bênh vực khi con sai? Mỗi lần con phạm lỗi, con cần phải bị phạt, bị mắng, sao mẹ không mắng, không phạt con? Tại sao con đánh chị giúp việc rồi gào khóc thì mẹ lại đuổi chị ấy? Tại sao khi con nhổ cơm vào chị hàng xóm rồi khóc, mẹ lại mắng và tát chị ấy? Tại sao con lấy tiền của bạn, mẹ cũng không mắng mà cho con tiền đi trả bạn? Tại sao con đánh bạn mẹ cũng không phạt con?  Con cần mẹ dạy con chứ con đâu cần mẹ bênh con suốt ngày thế?

Vào trong này, con nghe mấy mẹ đến đón vì con phạm tội, họ mắng con họ rất nhiều. Con chợt nghĩ, mẹ không cần mắng con nhiều thế nhưng mẹ cũng rất cần phải nói cho con biết con đã sai chứ. Nếu mẹ đừng bênh con, nếu mẹ mắng con, nếu mẹ mặc kệ cho con bị tẩy chay như hồi lớp 2, con đánh cả lớp, chắc chắn con đã không làm sai liên tục thế này.
Đời con thế này là tại mẹ!
……….
Chị ơi, em được biết chị là người đã nói câu "cha mẹ là số phận con cái". Em thấy câu nói thật sự vô cùng chính xác. Em đã quá sai, quá sai rồi. Con em nói đúng, em cho nó tất cả nhưng nó thật bất hạnh vì có một bà mẹ như em. Giá như em nghiêm hơn, giá như em đừng nghe mấy lời thuyết phục Kỉ luật tích cực này nọ, ra sức giảng giải xuông, không phạt con, giá như em cho con trả giá vài lần.....

Em có cả 1000 câu giá như. Vì em, vì em tất cả mà cô con gái xinh đẹp của em vướng vòng lao lý. Em chỉ mong tình tiết vụ án của nó không quá nặng để con em ở trong tù ít thôi, còn có cơ hội làm lại cuộc đời.

Và em muốn nói với các mẹ, đừng nghĩ chỉ có mình mình sinh con, đừng nghĩ con mình là thiên thần, không xấu xa được, đừng nghĩ nói vài câu với con là đã dạy đủ, HÃY GIÁO DỤC CON CẨN THẬN HƠN.

Và với con em, em muốn nói, mẹ xin lỗi, mẹ vô cùng xin lỗi con yêu của mẹ, mẹ sai rồi, mẹ đã làm hỏng cuộc đời con.

H.N (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại