Thứ tư, 24/04/2024 | 12:38
RSS

Cậu bé lượm ve chai xếp dép cho các bạn: Khóc cạn nước mắt khi không được tới trường

Thứ hai, 06/03/2017, 13:45 (GMT+7)

Sinh trưởng trong hoàn cảnh đặc biệt so với các bạn bè cùng trang lứa nhưng cậu bé lượm ve chai xếp dép cho các bạn vẫn hồn nhiên, hiếu động và lương thiện như mọi đứa trẻ khác.

Những ngày qua, cộng đồng mạng xã hội liên tục chia sẻ, bình luận về đoạn clip ghi cảnh cậu bé lượm ve chai xếp dép cho một nhóm cô trò đi dã ngoại tại công viên 30/4 tại quận 1, TP.HCM Người quay đoạn clip cảm động và ý nghĩa này là anh Phạm Nghĩa.

Cậu bé lượm ve chai 1

Cậu bé lượm ve chai lặng lẽ xếp dép giúp cô giáo và các bạn mầm non. Ảnh Phạm Nghĩa

Trò chuyện với báo chí, anh Nghĩa cho biết giữa anh và cậu bé nhà nghèo khá có duyên khi gặp nhau tới 2 lần trong cùng 1 ngày. Lần đầu tiên, anh chứng kiến cảnh cậu bé mang đôi dép của cô giáo mầm non xếp lại gần dép của các học sinh trước bưu điện thành phố.

Làm xong, cậu bé nhặt ve chai không đi ngay mà đứng nhìn các bạn nhỏ vui chơi, thỉnh thoảng còn hồn nhiên múa theo. Anh Nghĩa cho biết, dù không được đến trường nhưng có lẽ bé ý thức được việc nên làm nhờ quan sát những hành động thường ngày. 

Lần thứ hai, anh Nghĩa bắt gặp cậu bé xếp dép gầy gò, đen nhẻm đứng lắc lắc tay để ra hiệu điều gì đó với nhân viên trong đội trật tự đô thị đang làm nhiệm vụ dẹp hàng rong. Có lẽ, em làm vậy vì mong đội trật tự đô thị không tịch thu đồ của những người bán hàng nghèo khổ.

Hình ảnh đẹp về cậu bé lượm ve chai nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội. Dư luận cảm động, trân trọng việc làm nhỏ bé mà đầy ý nghĩa đó, đồng thời tỏ ra xót xa khi biết dù còn rất nhỏ nhưng em không được đến trường mà phải theo mẹ vất vả mưu sinh.

Cậu bé lượm ve chai 2

Sau khi xếp dép ngay ngắn, cậu bé nhặt ve chai còn vui vẻ múa theo các bạn. Ảnh Phạm Nghĩa

Chia sẻ với báo chí, chị Nguyễn Thị Phương Linh (26 tuổi, quê Quảng Ngãi – mẹ cậu bé xếp dép) tỏ ra khá bất ngờ khi tấm ảnh của con đang nổi như cồn trên mạng. Chị kể, con trai chị tên là Nguyễn Danh Thành Đạt, cái tên được bà cố nuôi đặt cho với bao kỳ vọng. Năm nay, Đạt mới 5 tuổi nhưng hiếu động và lanh lợi lắm.

Chị Linh vào Sài Gòn đã 6 năm nay. Lúc đầu, chị làm công nhân nhưng sau công ty gặp khó khăn, chị phải chuyển sang làm thuê theo giờ và nhặt ve chai lấy tiền sống qua ngày. Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn là vậy, cậu bé lượm ve chai còn kém may mắn hơn bạn bè đồng trang lứa vì không có một gia đình trọn vẹn.

Chị Linh chạnh lòng cho biết, chị vốn mồ côi cha mẹ từ tấm bé, được một gia đình ở Quảng Ngãi cưu mang và nuôi nấng. Sau này, chị lập gia đình với bố Đạt nhưng hai vợ chồng ly hôn đã lâu bởi anh suốt ngày rượu chè, cờ bạc.

Ngày bố mẹ chia tay, Đạt chỉ mới hơn 1 tháng. Giữa lúc khó khăn và tuyệt vọng, đã có lúc người mẹ trẻ bế con vào trại trẻ mồ côi với mong muốn vứt bỏ gánh nặng quá khứ để làm lại cuộc đời. Nhưng rồi, chứng kiến gương mặt thơ ngây mà sớm đượm nỗi buồn của những đứa trẻ trong trại mồ côi, chị lại không đành lòng.

Cậu bé lượm ve chai 3

Cuộc sống của 2 mẹ con cậu bé xếp dép tuy vất vả nhưng vẫn đầy niềm vui. Ảnh Trí Thức Trẻ

Thế là, chị Linh lại bế con về, chịu đựng trăm ngàn khó nhọc, cay đắng để nuôi con khôn lớn, không để Đạt phải chịu cảnh mồ côi như những gì chị từng phải trải qua. Không phụ lòng mẹ, Đạt càng lớn càng ngoan ngoãn, lanh lợi.

Thời còn đi làm công nhân, tuy đồng lương ba cọc ba đồng nhưng chị Linh cũng cố gom góp cho con đi nhà trẻ. Chị vui vẻ khoe, Đạt đi học được cô giáo dạy phải lịch sự, ngăn nắp nên là về nhà là làm lại y chang. 

Quần áo, giày dép của mình, cậu bé 5 tuổi tự bỏ bỏ vào tủ, bộ nào đi lượm ve chai xếp riêng, bộ nào đi học, đi chơi xếp riêng. Hàng ngày, ăn cơm xong là cu cậu còn tự mang bát đĩa đi rửa, không cần mẹ nhắc. Có lẽ cùng vì vậy mà khi thấy dép của các bạn để lung tung, cậu bé lượm ve chai mới tới xếp lại cho ngay ngắn.

Thích đi học là vậy nhưng cuối cùng, Đạt cũng buộc phải nghỉ học vì công ty nơi mẹ làm gặp sự cố, công nhân đều mất việc. Hoàn cảnh khó khăn, chị Linh không dám nói với nhà ngoại mà đành cho con thôi học, đi làm thuê và nhặt ve chai để lấy tiền nuôi con. Người mẹ khắc khổ thắt lòng kể lại, mấy tháng trước khi nghe mẹ nói nhà không còn tiền, phải tạm nghỉ học, Đạt cứ khóc mãi đòi đi học lại.

Được biết, hai mẹ con thuê nhà trọ mãi tận Thủ Đức, sáng sáng bắt xe buýt lên khu vực bưu điện thành phố để nhặt ve chai, chiều lại đi xe buýt về. Sau bữa cơm tối đơn giản, Đạt đi ngủ thì chị Linh lại đi làm thuê đến tận 2h sáng.

Clip cậu bé lượm ve chai hồn nhiên xếp dép giúp các bạn nhỏ

Dù tinh nghịch nhưng cậu bé lượm ve chai rất được các cô chú ở khu vực bưu điện thành phố thương mến vì ngoan ngoãn, nghe lời. Có lẽ, bản tính lương thiện và hồn nhiên của Đạt một phần là do cách sống của mẹ em, một người phụ nữ chịu thương chịu khó, chưa từng một lần oán hận số phận hay người chồng tệ bạc.

Tâm sự về hoàn cảnh của mẹ con chị Linh, anh Phạm Nghĩa – người quay clip cậu bé xếp dép cho biết anh đang tìm giải pháp giúp đỡ Đạt một cách lâu dài, không phải bằng tiền bạc để tránh đẩy em vào con đường lầm lỡ đáng tiếc như trường hợp Hào Anh năm nào.

Anh Nghĩa tiết lộ, hiện đã có một vị hiệu trưởng đề nghị được tài trợ tiền ăn học cho cậu bé lượm ve chai. Nhiều người khác cũng đã liên lạc với anh mong được quyên góp sách vở, quần áo cho Đạt. Hiện anh Nghĩa đang tìm cách chuyển tấm lòng của các mạnh thường quân tới gia đình chị Linh và nghĩ thêm các giải pháp giúp đỡ thiết thực, hợp lý hơn.

 

Tri Thu (t/h)
Theo Đời sống Plus