Chủ nhật, 24/11/2024 | 15:19
RSS

Cảnh báo thói quen móc họng nôn sau khi uống rượu giúp nâng tửu lượng

Chủ nhật, 13/01/2019, 10:47 (GMT+7)

Với nhiều người việc móc họng nôn rượu bia rồi tiếp tục uống chính là cách chống say hiệu quả. Tuy nhiên, cách này có thể gây nhiều nguy hiểm cho sức khoẻ.

Cảnh báo thói quen móc họng nôn sau khi uống rượu giúp nâng tửu lượng
Với nhiều người việc móc họng nôn rượu bia vừa uống chính là cách chống say hiệu quả (ảnh minh hoạ)

Cách chống say được nhiều người tin dùng

Dịp cuối năm, ngoài công ty, cơ quan, gia đình... tổ chức tiệc tất niên, các nhóm bạn cũng xem đây là thời gian nhậu thả ga để hội họp bạn bè, đồng nghiệp trước khi nghỉ Tết. Tuy nhiên với nhiều người tiệc tùng, liên hoan cuối năm cũng là cơn ác mộng bởi chúng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đặc biệt là những người thường xuyên phải uống rượu, bia.

Anh Đặng Sơn (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Do đặc thù công việc phải tri ân khách hàng, dịp cuối năm anh liên tục ở trong trạng thái say xỉn, mệt mỏi vì rượu bia. Có những lần nhậu anh phải sử dụng chiêu "móc họng" để có thể nôn ra hết rồi lại vào uống tiếp. Bởi chỉ có cách này mới có thể uống lâu và nhiều". 

Không giống như trường hợp nêu trên, anh Nguyễn Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội) uống rượu bia vì vì không muốn mang tiếng là kém nhiệt tình trong các buổi liên hoan với đồng nghiệp, bạn bè. 

"Cứ uống đến khi thấy có cảm giác đầy bụng thì mình lại vào toilet móc họng cho nôn ra hết rồi lại uống thật nhiều nước lọc để tiếp tục cuộc vui. Chỉ có xài chiêu này thì mới uống lâu và nhiều được. Và đặc biệt là có sức để trụ vững, không phải ra về trước để anh em chê cười", anh Toàn chia sẻ.

Với nhiều người việc móc họng nôn rượu bia ra ngoài chính là cứu cánh trong những buổi liên hoan, những cuộc nhậu để có thể uống dài và uống dai hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ và chuyên gia lại cảnh báo rằng hành động này rất nguy hiểm và không nên áp dụng.

Phương pháp nguy hiểm

Theo bác sĩ đông y Hoàng Xuân Đại, chống say rượu bằng cách móc họng cho nôn và uống thật nhiều nước để đi vệ sinh nhiều, thải hết rượu ra chỉ là giải pháp tạm thời. Thậm chí về lâu về dài cách này còn vô cùng tai hại với cơ thể. Bởi khi nôn rượu bia ra, các thức ăn cùng men tiêu hóa, dịch vị cũng sẽ ra theo gây mệt mỏi cho cơ thể. 

Ngoài ra, khi nôn nhiều lần, có thể khiến lưỡi bị tổn thương, các cơ trong hệ tiêu hóa co bóp mạnh, có thể xước, chảy máu niêm mạc thực quản, dạ dày. Không những thế, khi nôn lượng cồn đã hấp thụ vào cơ thể sẽ vẫn lưu lại trong khi lượng thức ăn ra ngoài hết nên nếu tiếp tục uống, người ta sẽ mệt mỏi và càng dễ gây tổn thương cho dạ dày. 

Theo bác sĩ Đại, để chống say rượu, chỉ có cách tốt nhất là hạn chế uống, uống vừa phải và trước khi uống cần ăn nhẹ, không để bụng đói.

Đồng quan điểm trên, lương y Vũ Quốc Trung (Hội đông y Hà Nội) cho rằng, uống rượu quá đà dẫn tới say gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe như ảnh hưởng đến gan, gây mệt mỏi cho cơ thể. Ngoài ra, rượu bia cũng là nguyên nhân dễ gây hay gặp tai nạn nếu điều khiển xe, gây bạo lực, tạo mâu thuẫn trong gia đình...

Việc áp dụng các thủ thuật chống say thực tế cũng chỉ là giải pháp tạm thời và cũng không nên lạm dụng. Các cách như ăn no bụng, uống sữa hay nước lọc... trước khi uống cũng chỉ giúp giảm bớt một phần nhỏ ảnh hưởng của rượu.

Vì vậy, theo lương y Trung điều cơ bản là mỗi người phải tự kiểm soát bản thân để chỉ uống có giới hạn, kiên quyết từ chối khi bị ép rượu và tốt nhất nên hạn chế uống ở mức càng ít càng tốt.

Trong trường hợp đã uống phải rượu bia, mọi người có thể áp dụng một số cách để giải rượu, cắt cơn say nhanh chóng, đồng thời làm giảm độc tố và những triệu chứng khó chịu do rượu mang lại như: Lấy lá rau cần rửa sạch, giã nát, vắt nước cốt, pha chút đường uống từ từ. Loại nước này không chỉ giã rượu mà còn giảm đau đầu một cách hiệu quả. 

Hoặc pha bột sắn dây với nước để uống có tác dụng làm giảm các triệu chứng say rượu, giảm dần cảm giác lâng lâng, nôn nao, buồn ói, giúp giã rượu và nhanh chóng tỉnh táo hơn sau khi uống.

Ngoài cách nêu trên, sắn dây cũng có thể nấu chín với nước. Người say rượu ăn hỗn hợp đặc sền sệt, ăn ấm nóng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, giảm chứng say nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, tại Trung Quốc người ta còn dùng hoa sắn dây làm thuốc chữa say rượu.


Xem thêm video: Dùng 5 lít bia cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu

Mai Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN