Da sẫm màu ở cổ có thể là dấu hiệu của ung thư hoặc bệnh tiểu đường. Béo phì là vấn đề phổ biến gây bệnh gai đen (acanthosis nigricans), thậm chí xảy ra ở trẻ em, theo Reader's Digest.
Bệnh làm tăng sắc tố da, khiến vùng da ở cổ, nách, vùng bẹn bị tối đi, dày sừng, khô và ráp. Bệnh gai đen chủ yếu ảnh hưởng đến những người thừa cân. Tuy nhiên, nó cũng là dấu hiệu cơ thể kháng insulin, nguy cơ mắc tiểu đường cao. Ngoài cổ, bệnh tiểu đường cũng gây sạm da ở các khu vực nếp gấp như dưới cánh tay, khuỷu tay hoặc đầu gối.
Nếu da của bạn hơi xanh hoặc tái, nó có thể là dấu hiệu bạn có vấn đề về tuần hoàn. Điều này có nghĩa là da không có đủ máu chứa oxy. Những người có vấn đề về tim mạch hoặc phổi dễ gặp triệu chứng này.
Nếu bạn hoặc bất kỳ ai khác bị xanh xao ở mặt, môi, đây là trường hợp cấp cứu khẩn cấp, đặc biệt khi kèm theo khó thở hoặc đau ngực. Hãy gọi cấp cứu ngay nếu bạn xuất hiện đột ngột những dấu hiệu này.
Chứng vàng da ở người lớn thường liên quan bệnh gan như xơ hoặc viêm gan. Điều này có thể do bạn uống quá nhiều rượu, bị sỏi mật, ung thư tuyến tụy. Gan không được thanh lọc, loại thải độc tố khỏi cơ thể, hình thành chất bilirubin, gây vàng da.
Ngoài ra, sử dụng một số loại thuốc như quá liều acetaminophen, penicillin, steroid đồng hóa cũng gây triệu chứng này. Do đó, nếu bạn nhận thấy lòng trắng của mắt trở nên vàng hoặc da có màu vàng, xám xịt, hãy đến các cơ sở y tế sớm để kiểm tra nguyên nhân.
Khi làn da ở lòng bàn tay trở nên dày và sờ mịn màng, các đường gân càng rõ ràng, bạn có khả năng mắc chứng lòng bàn tay dạ dày bò (triple palm). Tình trạng này hiếm gặp, nhưng khi phát triển, nó liên quan ung thư phổi hoặc dạ dày.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khối u ảnh hưởng mô của bàn tay. Nhưng điều quan trọng là dấu hiệu này xuất hiện trước các triệu chứng khác, có thể giúp bạn cảnh báo bệnh sớm.
Nhiều tình trạng có thể gây các phản ứng trên da, từ dị ứng đến viêm da dị ứng (eczema), nhiễm HIV. Các tác nhân phổ biến gây phản ứng da nhạy cảm bao gồm nhiệt độ cao, lạnh, căng thẳng, tiếp xúc ánh nắng mặt trời, ô nhiễm, gió, hóa chất và hương thơm trong kem dưỡng da hoặc nước giặt.
Nếu tình trạng da nhạy cảm tái phát, bạn nên đi khám để xác định rõ nguyên nhân và điều trị dứt điểm. Ngoài ra, khi phát ban lan rộng, kèm theo sốt, khó thở, bạn nên đến bệnh viện ngay. Phát ban gần mắt hoặc bộ phận sinh dục, đặc biệt bị phồng rộp, cũng là dấu hiệu nguy hiểm.