Tin đồn mì tôm, mì ăn liền có thể gây ung thư khiến không ít người hoang mang
Mì tôm (hay còn gọi là mì gói, mì ăn liền) là thực phẩm tiện ích được rất nhiều người Việt yêu thích. Theo thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA), năm 2016, Việt Nam tiêu thụ 4,920 tỷ gói mì. Ước tính trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 52 gói mì/năm.
Tuy nhiên, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhưng tin đồn cho rằng mì gói có thể gây ung thư khiến nhiều gia đình đã phải từ bỏ món ăn quen thuộc.
Liên quan đến thông tin này, trả lời Khám phá, GS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội - cho biết: “Trên Thế Giới chưa từng ghi nhận kết quả nghiên cứu khoa học nào đủ tin cậy để khẳng định mì ăn liền – một sản phẩm tồn tại lâu đời và ngày nay được không ít nhà đầu tư sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, lại có thể gây hại cho sức khỏe hoặc chứa những chất gây ung thư”.
Lời đồn thổi “mì ăn liền gây ung thư” có thể xuất phát từ nỗi lo thực phẩm này chứa phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, chất chống oxy hóa… có khả năng gây ung thư và đặc biệt là ảnh hưởng của chất lượng dầu chiên mì ăn liền.
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người tiêu dùng cần hiểu rõ các chất phụ gia được phép cho vào trong thực phẩm, bao gồm cả trong mì ăn liền đều được qui định giới hạn về hàm lượng an toàn, nằm trong tiêu chuẩn cho phép, được cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ. Nếu sử dụng đúng liều lượng thì cơ thể sẽ tự động đào thải các chất này ra ngoài mà không gây nên các biến đổi bất thường hay sinh ung thư.
Khi chế biến mì ăn liền, chúng ta nên thêm rau xanh, thịt để tăng chất xơ, chất khoáng và vitamin
Chúng ta đang ăn mì sai cách?
Dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định ăn mì gây ung thư, tuy nhiên các chuyên gia vẫn cảnh báo nên hạn chế gói mỡ hành ở trong mì, vì loại mỡ này không có lợi cho cơ thể. Trả lời Zing news, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân tích mì ăn liền được chiên qua dầu, vì thế lượng chất béo bão hoà (khó tan) khá nhiều. Đây là chất béo làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh tim mạch nếu đi vào mạch máu, gây xơ vữa động mạch.
'Chưa có nghiên cứu nào khẳng định ăn bao nhiêu mì ăn liền sẽ bất lợi cho sức khoẻ. Nhưng việc bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng, nhiều chất béo bão hoà sẽ khiến cơ thể thiếu nhiều dưỡng chất như đạm, vitamin, kẽm, chất xơ… Sự thiếu hụt này có hại cho sự phát triển của người trẻ, đồng thời làm giảm hệ miễn dịch và kéo theo nhiều bệnh tật khác', PGS Lâm cho biết.
Do đó, khi chế biến mì ăn liền, chúng ta nên thêm rau xanh, thịt để tăng chất xơ, chất khoáng và vitamin đồng thời, làm cân bằng chất béo, giúp cho cơ thể ít hấp thụ chất béo bão hòa.
Ngoài ra, gói muối trong mì tôm có độ mặn thường được làm theo tiêu chuẩn châu Âu, hợp khẩu vị với người ăn mặn nhất. Do đó, người ăn nhạt có thể điều chỉnh, chỉ nên ăn một nửa gói muối.
Xem thêm video: Tỏ tình bị từ chối, chàng trai dùng dao rọc giấy cắt 'của quý'