Thứ sáu, 19/04/2024 | 07:02
RSS

Căn bệnh tiến triển âm thầm khiến người phụ nữ có cả tá sỏi trong thận

Thứ sáu, 10/01/2020, 11:21 (GMT+7)

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức thắt lưng bên phải. Trước đó chị bị sỏi thận nhiều năm nay nhưng không có triệu chứng đau rõ ràng nên không đi khám.

Căn bệnh tiến triển âm thầm khiến người phụ nữ có cả tá sỏi trong thận 2
Nữ bệnh nhân bị sỏi san hô phức tạp được điều trị tại bệnh viện 108.

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện một ca lấy sỏi san hô phân nhánh phức tạp chỉ trong một lần phẫu thuật. Bệnh nhân là chị L.T.H., 37 tuổi, quê ở Nam Định.

Bệnh nhân H. cho biết: “Tôi bị sỏi thận nhiều năm nay nhưng không có triệu chứng đau rõ ràng. Cách đây 4 tháng, tôi gặp tai nạn lao động. Khi đó, tôi có nhập viện để mổ ở ngón tay. Đồng thời khi đó, tôi đi kiểm tra sức khỏe thấy sỏi thận ngày càng to lên.”

Bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng đau tức thắt lưng bên phải. Qua thăm khám và kết quả phim chụp, các bác sỹ chẩn đoán có sỏi san hô hoàn toàn thận phải gây giãn thận phải độ 2 với kích thước lớn 6x4cm.

Theo các bác sĩ Bệnh viện 108, sỏi san hô phân nhánh phức tạp sẽ gây tổn thương và hỏng thận theo thời gian. Đối với sỏi nhỏ, đơn giản, các bác sỹ chỉ thực hiện kỹ thuật tán sỏi qua da bằng một đường hầm. Nhưng với trường hợp phức tạp như bệnh nhân H., các bác sỹ phải tiến hành phẫu thuật nội soi tán sỏi qua da bằng ba đường hầm mới tiếp cận được hết các nhóm đài thận.

Thông thường, để lấy được hết sỏi san hô phân nhánh phức tạp, bệnh nhân phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật còn ca bệnh này các phẫu thuật viên đã lấy hết số lượng lớn sỏi chỉ trong một lần phẫu thuật.  Hiện tại, sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt.

Căn bệnh tiến triển âm thầm khiến người phụ nữ có cả tá sỏi trong thận
Các bác sĩ lấy được số lượng lớn sỏi từ thận của bệnh nhân sau phẫu thuật.

Sỏi san hô trong thận nguy hiểm như thế nào?

Theo các bác sĩ Bệnh viện 108, sỏi san hô còn có tên khác là sỏi nhiễm trùng bởi bệnh có liên quan mật thiết đến tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Sỏi san hô khác biệt là chỉ xuất hiện ở vị trí đài bể thận mà không có ở các vị trí khác trên đường tiết niệu (niệu quản, bàng quang, niệu đạo). Loại sỏi này chiếm khoảng 10 – 15% sỏi tiết niệu.

Sỏi thường có màu vàng trắng, lấp đầy các nhánh đài thận thành tảng trông giống như san hô hoặc sừng của con nai hươu khi quan sát trên phim chụp X – quang.
Có ba nhóm đối tượng thường có nguy cơ cao mắc bệnh:

- Phụ nữ và người trên 50 tuổi bị viêm tiết niệu tái phát nhiều lần, nhiễm trùng mạn tính.

- Người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiểu.

- Người đã phẫu thuật niệu quản, bàng quang,…hoặc có các dị tật trong đường tiết niệu.

Nhiều người chỉ tình cờ phát hiện sỏi san hô khi đi kiểm tra sức khỏe ở những bệnh lý khác. Ở giai đoạn đầu, các biểu hiện sỏi rất âm thầm, thậm chí không có bất thường nào khác. Khoảng 25% số người bệnh hoàn toàn không có triệu chứng ngay cả khi khối sỏi san hô lấp gần hết các đài thận và các ống chứa nước tiểu. Sở dĩ, người bệnh không có nhiều triệu chứng là do sỏi kết tinh và phát triển theo cấu trúc của đài bể thận, không làm giãn bể thận như sỏi ở vị trí khác nên ít gây đau và rát buốt khi đi tiểu.

Chính vì vậy các chuyên gia tiết niệu khuyến cáo, triệu chứng sỏi san hô thường mơ hồ, người bệnh có thể thấy mệt mỏi toàn thân không rõ nguyên nhân, bứt rứt khó chịu kèm theo sụt cân bất thường và ít khi có biểu hiện rầm rộ như các bệnh lý về thận, tiết niệu khác. Do đó, việc thăm khám sức khỏe định kỳ và đi kiểm tra sớm khi có dấu hiệu bất thường là rất quan trọng để phát hiện sớm, điều trị, phẫu thuật kịp thời.

Khanh Lê
Theo Đời sống Plus/GĐVN