Bác sĩ đã lấy ra 56 viên sỏi trong bụng của cậu bé 9 tuổi Xiao Xuan
Xiao Xuan năm nay 9 tuổi, thỉnh thoảng có kêu với bố mẹ là bị đau bụng nhưng bố mẹ em lại cho rằng đó là chuyện bình thường và bụng sẽ hết đau ngay thôi. Thế nhưng một ngày Xiao Xuan đi tiểu ra máu. Khi cha mẹ đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra thì nhận được kết quả bất ngờ, đến ngay cả bác sĩ cũng không thể tin nổi.
Theo Sohu, trong thận cậu bé có viên sỏi to khoảng 2.7cm và rộng khoảng 1.7cm, tương đương với một quả trứng cút. Ngoài ra, còn có rất nhiều những viên sỏi nhỏ khác, điều này đã gây tắc nghẽn đường tiết niệu và gây tích tụ nước ở thận phải.
Qua ca phẫu thuật, bác sĩ đã lấy ra 56 viên sỏi. Trong khi đó, thông thường, người lớn chỉ cần một viên sỏi có kích cỡ 0.5cm cũng đã đủ để gây tắc nghẽn đường tiết niệu.
Sau khi tìm hiểu về chế độ ăn uống của Xiao Xuan, cuối cùng các bác sĩ cũng có câu trả lời. Xiao Xuan rất thích ăn thịt, hầu như bữa nào cũng phải có thịt. Bên cạnh đó, trong khẩu phần ăn của cậu bé thường có trứng, hamburger, cola, kem, sữa... đồng thời Xiao Xuan cũng rất hiếm khi uống nước, cho dù tập thể dục ra nhiều mồ hôi đến đâu.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong thịt đỏ có chứa hàm lượng protein cao, việc chuyển hóa protein trong cơ thể sẽ hạn chế quá trình bài tiết chất cặn bã, gây ra những tác động không hề nhỏ đối với thận.
Bên cạnh đó, đồ uống có ga có chứa axit photphoric gây ra những thay đổi tiết niệu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính. Ngoài ra, không uống đủ nước mỗi ngày cũng khiến các chức năng của thận bị suy giảm, uống ít nước sẽ khiến hệ tiết niệu ít có việc để làm, lượng nước tiểu lưu cữu, trở nên đậm đặc, chất đọng lại tăng lên, dễ hình thành sỏi thận và sỏi đường tiết niệu.
Cho trẻ uống nhiều nước có thể ngăn ngừa sỏi thận và sỏi tiết niệu
Ăn uống thế nào để trẻ không bị sỏi thận?
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Cừ - Nguyên Trưởng phòng khám Tiết niệu sinh dục Bệnh viện Việt Đức - Bệnh viện Đa khoa An Việt có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi thận ở trẻ, thường gặp nhất là do các bệnh gây rối loạn chuyển hóa như: rối loạn enzyme, hội chứng ống thận (sỏi calci-phosphat, sỏi cystinuria),... Ngoài ra, những trẻ thường bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường ở đường tiết niệu.
Dù chưa được chứng minh nhưng cũng cần chú ý thói quen ăn nhiều thức ăn nhanh chứa nhiều muối, ít uống nước, ít vận động, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất như canxi, vitamin C… là những nguyên nhân làm hình thành nhanh sỏi thận ở trẻ em, nhất là những trẻ có sẵn các bệnh lý rối loạn chuyển hóa.
Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ một chế độ ăn uống hợp lý ngay từ khi còn nhỏ, để trẻ biết nên ăn gì, không nên ăn gì nhiều, cảnh báo trẻ về ham muốn ăn uống không lành mạnh và dần dần thiết lập hành vi tốt trong ăn uống.
Uống nhiều nước và không nhịn tiểu là một cách hiệu quả để ngăn ngừa sỏi tiết niệu.
Xem thêm video: Phẫn nộ lá thư xin lỗi của giáo viên bạo hành tạo 6 vết thương cho trẻ