Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:41
RSS

Cấm phượt đường Tà Năng - Phan Dũng hay phải quản lý?

Thứ bảy, 02/06/2018, 19:36 (GMT+7)

Phượt là loại hình du lịch mới nên chưa có trường lớp nào đào tạo hướng dẫn viên hay nhà tổ chức. Điều đáng lo là rất nhiều bạn trẻ không lượng sức mình…

Sau tai nạn chết người của anh TAK tại thác Lao Phào trên cung đường Tà Năng (Lâm Đồng) - Phan Dũng (Bình Thuận), nhiều người đặt câu hỏi "Có nên cấm vì quá nguy hiểm?" 

Trước đó, sau cái chết của chị NVTQ vì bị nước cuốn, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Thuận Ngô Minh Chính đã bày tỏ trăn trở: "Làm sao đảm bảo an toàn cho khách phượt?" Chưa có câu trả lời thỏa đáng thì lại xảy ra chết người. Lần này, hàng trăm người phải phải vất vả hơn tuần mới tìm thấy xác. Việc đưa nạn nhân trở lại đường lộ càng khó khăn gấp bội.

Lại "không quản được thì cấm"?

Qua 2 tai nạn chết người, càng bộc lộ những bất cập nguy hiểm của du lịch phượt. Những ai đang có ý định đóng cửa, cấm đường Tà Năng - Phan Dũng thì khó mà tranh luận, nói chi trao đổi. Đó là tư duy phổ biến "không quản được thì cấm?"…

Trước đây, khi Fansipan chưa có cáp treo, đã xảy ra không ít tai nạn chết người, có trường hợp mấy năm nay không tìm ra xác. Lâu lâu báo đưa tin, người chết trong hồ bơi, người chết sông, chết biển nhưng không vì thế mà cấm xuống hồ bơi, cấm xuống sông, ra biển... Các tai nạn đa phần do cách quản lý, giám sát và tự nạn nhân vô tình gây ra chứ thiên nhiên hoàn toàn không có lỗi.

Phượt là loại hình du lịch mới nên chưa có trường lớp nào đào tạo hướng dẫn viên hay nhà tổ chức. Các nhà quản lý lúng túng là điều dễ hiểu. Điều đáng lo là rất nhiều bạn trẻ không lượng sức mình. Rất nhiều người "điếc không sợ súng", lại bị "hội chứng đám đông" tác động, xem phượt là trào lưu, là "mốt thời thượng", chứng tỏ bản lĩnh với bạn bè, đồng nghiệp. 

Tôi đã gặp không ít đoàn phượt nhếch nhác, cả đi xe máy lẫn trekking. Điển hình là cảnh các phượt phủ nằm ngủ qua đêm bên cạnh xe, sát chân đèo, tràn ra cả lòng đường, ngay khúc cua gấp mà ngao ngán. Lỡ tài xế nào vô phước đụng phải… 

Người chết là hết, biết gì nữa đâu mà khổ. Chỉ khổ người thân của họ. Khổ nhất là "tai bay vạ gió" cho người khác, cụ thể là cánh lái xe đêm.

Cấm phượt đường Tà Năng Phan Dũng hay phải quản lýNhững phượt thủ đúng nghĩa sẽ tìm hiểu cặn kẽ cung đường. Ảnh: Zing

Các phượt thủ a dua, chủ yếu để chụp selfie khoe hình lòe thiên hạ. "Thấy thiên hạ ăn khoai là vác mai đi đào" dù chẳng biết củ khoai khác với các củ độc thế nào. "Đùng một cái", thích là đi. Có người rủ, đi. Không có người rủ, cũng đi đại, cho "bằng chị bằng em". Bất chấp hiểm nguy rình rập. Không chỉ đùa giỡn với sinh mạng của mình mà còn gây hậu quả cho bao người khác.

Trong khi đó, những phượt thủ đúng nghĩa sẽ tìm hiểu cặn kẽ cung đường. Từ khoảng cách, độ cao, độ khó đến thời tiết và dự báo các tình huống bất ngờ. Từng người phải luyện tập sức khỏe, tham gia từ thấp đến cao, trang bị đủ vật dụng cần thiết và cả kỹ năng đi rừng, vượt thác, leo núi. Ngoài việc rèn luyện thử thách, vượt qua chính mình còn là dịp tìm hiểu thiên nhiên, cây cỏ, động vật, văn hóa, cảnh quan… Đó là những chuyến ngoại khóa thú vị, không có trường lớp và thầy cô nào dạy nổi.

Dân đi rừng chuyên nghiệp, ai cũng bị lạc, ít nhất cũng năm bảy lần. Thường lạc rừng là hốt hoảng, càng hoảng càng lạc. Cánh kiểm lâm lâu lâu còn bị lạc nữa là dân phố. Cách đây gần chục năm, từ Phan Dũng, tôi nhờ kiểm lâm dẫn bộ đoàn famtrip "Tuy Phong - Cù lao Câu" vào thác Yavly. Mười mấy km mà đi hoài không tới, đành quay trở lại. Dân đi rừng cũng phải biết bơi vì rừng nào cũng có sông có suối. Đi rừng sợ nhất là qua suối mùa mưa. Lũ về đột ngột chứ không báo trước, chớp mắt là cuốn trôi mọi thứ, không chỉ vài người. Rồi côn trùng, rắn rết, cây độc… Những người bị tim mạch, huyết áp, hen suyễn, tiểu đường… không thể tham gia. Đi nhóm, phải có người phụ trách y tế, biết sơ cấp cứu.

Ứng dụng công nghệ vào hành trình phượt

Với công nghệ hiện nay, hoàn toàn có thể vẽ bản lộ trình chi tiết, từ độ cao, khoảng cách đến cảnh quan để dùng chung cho mọi người theo từng tour 2 - 4 ngày. Dùng la bàn định hướng, thậm chí sử dụng bộ đàm trong suốt hành trình. Trước khi đi phải huấn luyện thực hành trên bản đồ lộ trình, thống nhất nội qui, kế hoạch. Dứt khoát phải có hướng dẫn viên địa phương dẫn đường theo từng nhóm. Tối đa 10 người có một hướng dẫn viên rừng.

Chuyện ăn uống thế nào để bảo đảm sức khỏe cũng phải kiểm soát nghiêm nhặt như việc bảo vệ môi trường. Nhà nước phải quản lý, từ đầu vào, các trạm dừng, cho đến chỗ ngủ bắt buộc, có nhà vệ sinh và tiện nghi tối thiểu. Có trạm trực y tế và cứu hộ với đường dây nóng. Có nhiều cung đường phụ để khách chọn lựa. Qui định lượng khách tối đa mỗi ngày để đảm bảo an toàn. Tổ chức các dịch vụ hỗ trợ và bán vé hành trình.

Tự phát như lâu nay, chưa xảy ra cháy rừng hoặc chết người hàng loạt chứ không lẻ tẻ, phải nói là may mắn. Hãy quên từ "cấm" trong các dịch vụ, trừ khi được qui định bởi pháp luật. Chinh phục Everest, nóc nhà thế giới là ước mơ và khát vọng của nhiều người. Năm nào cũng có người chết nhưng chưa ai nghĩ đến việc cấm hay dừng. Càng khó càng hấp dẫn và phấn khích khi vượt qua được.

Nếu được cảnh báo, đoạn đường nguy hiểm là đoạn đường ít tai nạn nhất. Đa phần nguy hiểm đến từ sự chủ quan, tự mình hại mình.

NGUYỄN VĂN MỸ (Giám đốc công ty Tư vấn – Dịch vụ & Phát triển du lịch CBT)

Vũ Nguyên Lê
Theo Người lao dộng