Thứ sáu, 19/04/2024 | 15:52
RSS

Chuyên gia phân tích ưu nhược điểm của gây tê tủy sống và gây mê nội khí quản

Thứ tư, 05/07/2017, 11:42 (GMT+7)

“Một số y bác sĩ cứ nghĩ gây tê tủy sống cũng được, nhưng thực ra 10 ca thì có thể có một ca biến chứng tụt huyết áp, chảy máu, thậm chí nguy cơ ngừng tim...".

phương pháp gây tê tủy sống 1

TS.BS Hoàng Văn Bách đang thực hiện kỹ thuật gây tê tủy sống

Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế (kể cả bệnh viện tư) cần sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản thay vì gây tê tủy sống đối với các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật… Vì sao Bộ Y tế lại ra công văn này khi mà kỹ thuật này dường như “thường quy” ở các bệnh viện?  

Trường hợp nào thì cấm?

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện nay trong quy trình mổ lấy thai trên thế giới đa số các bác sĩ dùng kỹ thuật gây mê là gây tê tủy sống. Trong một số trường hợp đặc biệt như người mẹ có bệnh tim, huyết áp; nguy cơ chảy máu như rau tiền đạo, sản giật, tiền sản giật; suy giảm chức năng gan, thận, phổi… thì gây mê toàn thân (hay gọi là gây mê nội khí quản) an toàn hơn cho người bệnh.

Tại Việt Nam quy trình này vẫn được thực hiện từ trước đến nay. Tuy nhiên, qua công tác theo dõi, giám sát và thẩm định tử vong mẹ tại các địa phương, cũng như ý kiến phản ánh của một số đơn vị thời gian qua, Bộ Y tế nhận thấy, có một số trường hợp "bác sĩ nghĩ là không sao hoặc sản phụ chót ăn nên vẫn gây tê tủy sống".

“Một số y bác sĩ cứ nghĩ gây tê tủy sống cũng được, nhưng thực ra 10 ca thì có thể có một ca biến chứng tụt huyết áp, chảy máu, thậm chí nguy cơ ngừng tim, việc cấp cứu cực kỳ vất vả, nguy cơ tử vong. Vì thế, để an toàn nhất cho sản phụ, Bộ Y tế có công văn quy định rõ ràng, chuẩn hóa bằng văn bản là cần gây mê toàn thân trong những trường hợp đặc biệt”, Thứ trưởng Tiến nói.

Để thực hiện kỹ thuật gây mê toàn thân, người bệnh cần phải nhịn ăn, nhịn đói; một số trường hợp chót ăn thì phải hút sạch dạ dày. Công việc này phức tạp hơn rất nhiều so với thực hiện thủ thuật gây tê tủy sống.

Trước quy định này, hiện có hai luồng ý kiến: người tỏ ra lo lắng vì đã từng dùng kỹ thuật này khi đẻ liệu có để lại hậu quả gì không? Người thì lại cho rằng gây tê tủy sống là phương pháp ưu việt đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới hiện nay, nếu hạn chế phương pháp này không chỉ gây khó cho các y bác sĩ mà người bệnh cũng rất thiệt thòi.  

Không áp dụng đại trà

Trao đổi về vấn đề này, TS.BS Hoàng Văn Bách - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Gây mê hồi sức Việt Nam - Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Bưu điện cho rằng, văn bản của Bộ Y tế không yêu cầu tất cả các trường hợp mổ đẻ đều phải thực hiện phương pháp gây mê tủy sống.

Chỉ áp dụng phương pháp này trong một số trường hợp phẫu thuật lấy thai (mổ bắt con) trên các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật… có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

TS Bách cũng cho biết thêm gây tê tủy sống trong phẫu thuật mổ lấy thai đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Theo đó, gây tê tủy sống có ưu điểm là tê nhanh, trẻ sơ sinh không bị ảnh hưởng bởi thuốc mê, ít bị hít phải dịch trào ngược từ dạ dày, dễ thực hiện ở nhiều tuyến bệnh viện. 

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là có một số tác dụng không mong muốn thoáng qua như tụt huyết áp, chậm nhịp tim, đau đầu buồn nôn... Song những tác dụng phụ này đều có thể khắc phục được bằng các phác đồ điều trị cho từng tình huống cụ thể.

“Gây tê tủy sống, theo tôi có lợi cho cả người bệnh và đơn vị y tế, nhất là các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa chưa có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị về gây mê hồi sức. Hiện trên thế giới và Việt Nam vẫn đang áp dụng phổ biến phương pháp gây tê tủy sống cho tất cả các trường hợp mổ đẻ trừ những trường hợp chống chỉ định như dị ứng thuốc tê, viêm dính đốt sống không thể gây tê hoặc người bệnh không đồng ý gây tê tủy sống”, TS Bách nhấn mạnh.

Ngoài ra, TS Bách cũng phân tích thêm, đối với phương pháp gây mê nội khí quản để phẫu thuật lấy thai có ưu điểm rất thuận lợi với các ca mổ khó, thời gian mổ có thể kéo dài. Tuy nhiên thời gian để hoàn thành việc gây mê lâu hơn và phải sử dụng nhiều loại thuốc. 

Một số thuốc mê, thuốc giảm đau có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh do truyền từ người mẹ qua nhau thai. Đáng lo ngại nhất là những trường hợp khó đặt nội khí quản khi gây mê, điều này có thể dẫn đến suy hô hấp, giảm oxy máu gây nguy hiểm cho mẹ và con.

(Tiêu đề bài viết do Đời Sống Plus đặt lại)

Hải Phong
Theo Nông Nghiệp Việt Nam